Việt Nam phấn đấu vào top 4 thị trường chứng khoán ASEAN

Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, từ đó hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới và hướng tới trình độ phát triển của 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán đã đạt được sự vươn lên vượt bậc. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 30/9/2021, tổng giá trị vốn hóa thị trường đã vượt qua ngưỡng 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP, với 2.133 doanh nghiệp được niêm yết và đăng ký giao dịch. Đây là một con số ấn tượng so với chỉ có 2 mã chứng khoán được niêm yết trong những ngày đầu thị trường chứng khoán được thành lập. Số lượng tài khoản đăng ký đến nay đã lên tới gần 4 triệu tài khoản, trong đó số lượng tài khoản mới mở trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 70% so với toàn bộ năm 2020.

Thanh khoản thị trường luôn đạt ở mức cao trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội với tổng lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán năm 2020 đã đạt trên 30 điểm phần trăm GDP.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình 20-30% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ ra các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn tới như chú trọng phát triển về số lượng nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, chuyên nghiệp và nước ngoài đồng thời tăng tỷ trọng trái phiếu chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ.

Việt Nam phấn đấu vào top 4 thị trường chứng khoán ASEAN - Ảnh 1

Với thị trường, mục tiêu sẽ hướng tới phát triển bền vững, nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết và áp dụng tiêu chuẩn ESG (quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp), hoàn thành phân định thị trường trên các sở giao dịch trong năm 2025. Đặc biệt là mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, từ đó hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới và hướng tới trình độ phát triển của 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025. 

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu chiến lược đặt ra, cũng có một số thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn. Cụ thể, các cấu phần thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ. Trong khi, các kết nối xuyên biên giới đang tạo áp lực trong đổi mới và công tác quản lý, giám sát thị trường. Mặt khác, quy mô trường ngày càng tăng cùng với đó là mức độ phức tạp và áp lực cạnh tranh với các sở giao dịch chứng khoán trong khu vực và thế giới.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra một số giải pháp chính để thực hiện hiệu quả chiến lược đã đề ra trong thời gian tới. Trong đó, Ủy ban sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng yêu cầu của thị trường và tăng cường năng lực quản lý, đa dạng hóa hàng hóa và nguồn cung, đa dạng hóa nhà đầu tư. Hệ thống cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin cũng sẽ được nâng cao để triển khai các giải pháp thuận lợi hơn. Ngoài ra, vai trò và năng lực nghề nghiệp của hệ thống các tổ chức trung gian thị trường cũng sẽ được tăng cường.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư trong nước và đẩy mạnh quá trình tích lũy tài sản dài hạn cho công dân Việt Nam cũng như tích lũy tài sản quốc gia. Đồng thời, các cấp quản lý cần tiếp tục cải thiện và nâng cao khả năng thực thi hệ thống chào bán cổ phiếu ra công chúng và niêm yết, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ nhà đầu tư của các nhà lãnh đạo, như quản trị doanh nghiệp, công bố thông tin...

Bảo Anh