Vietjet (HoSE: VJC) vừa thông báo kết quả chào bán 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức trong nước với kỳ hạn 60 tháng, ngày đáo hạn là 22/7/2026.
Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu lần này được doanh nghiệp sử dụng đầu tư cơ sở vật chất, tài sản cố định, thiết bị, công cụ dụng cụ, … nhằm tăng cường năng lực khai thác vận tải hàng không và phát triển các hoạt động kinh doanh khác phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Vietjet.
Lô trái phiếu thuộc loại trái phiếu doanh nghiệp thông thường, không chuyển đổi, không tài sản bảo đảm, trả lãi 6 tháng/lần. Lãi suất thực tế được tính 9,5%/năm cho hai kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ còn lại sẽ tính lãi suất bằng biên độ 3%/năm cộng lãi suất tham chiếu là lãi suất tiền gửi bình quân năm được công bố bởi 4 ngân hàng là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV.
Trước đó, Vietjet đã hai lần huy động vốn thông qua kênh trái phiếu vào ngày 24/5 và 9/6 với giá trị 1.000 tỷ đồng mỗi đợt và kỳ hạn đều là 60 tháng. Nhà đầu tư mua vào đều là một tổ chức trong nước không phải ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm hay quỹ đầu tư. Như vậy, hãng hàng không đã huy động tổng cộng 3.000 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, cuối năm ngoái, Vietjet đã chào bán 650 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng cho CTCP Menas Trường Sơn với lãi suất 9%/năm cho hai kỳ trả lãi đầu tiên, các kỳ tiếp theo lãi suất bằng biên độ 3%/năm cộng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng dành cho doanh nghiệp bình quân được công bố bởi Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần quý II giảm 29% xuống 3.542 tỷ đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn nên hãng lỗ gộp gần 1.278 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 109 tỷ đồng. Đây là quý lỗ gộp thứ 5 của Vietjet Air trong 6 quý gần đây. Nhờ gần 1.757 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong đó hơn 1.603 tỷ là thu nhập tài chính khác (không thuyết minh) nên lợi nhuận sau thuế đạt 4,5 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần giảm 30% về còn 7.590 tỷ đồng. Ngược lại, hoạt động tài chính mang về nguồn thu gấp 3 lần cùng kỳ lên hơn 3.151 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng 172% lên 128 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm ngày 30/6, hãng hàng không có 11.766 tỷ đồng nợ vay tài chính, tăng 324 tỷ đồng so với đầu năm. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu và hệ số nợ/tổng tài sản lần lượt là 69% và 24%. Cơ cấu nợ vay chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn với tỷ trọng 69%, tương đương gần 8.228 tỷ đồng. Riêng khoản vay tại VietinBank và HDBank lên đến 2.685 tỷ và 1.994 tỷ đồng. Nợ dài hạn chủ yếu là trái phiếu với giá trị gần 3.210 tỷ đồng.