Vietravel (VTR) lỗ ròng 7 tỷ đồng trong quý II/2022

Lũy kế 6 tháng, mặc dù doanh thu của Vietravel vẫn tăng gấp đôi lên 1.202 tỷ đồng nhưng do tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp này lỗ 115 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 288 tỷ của cùng kỳ năm trước, nâng lỗ luỹ kế lên hơn 300 tỷ đồng.

Vietravel (VTR) lỗ ròng 7 tỷ đồng trong quý II/2022 - Ảnh 1

CTCP Du lịch và Tiếp vận Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, UPCoM: VTR) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu thuần tăng trưởng khả quan gấp 2,9 lần khi đạt 986 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp ghi nhận cao tại 132 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gộp 95 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vietravel xuất hiện khoản lỗ gần 58 tỷ đồng từ liên doanh liên kết, trong khi cùng kỳ không phát sinh. Vietravel cắt giảm mạnh 90% chi phí bán hàng về còn hơn 5 tỷ đồng.

Dù vậy, thu không đủ bù chi khiến Vietravel vẫn lỗ ròng gần 7 tỷ đồng trong quý 2/2022, giảm so mức 217 tỷ của cùng kỳ 2021.

Lũy kế 6 tháng, mặc dù doanh thu của Vietravel vẫn tăng gấp đôi lên 1.202 tỷ đồng nhưng do tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp này lỗ 115 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 288 tỷ của cùng kỳ năm trước, nâng lỗ luỹ kế lên hơn 300 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của Vietravel tăng thêm gần 200 tỷ lên 2.239 tỷ đồng. Trong đó đầu tư vào liên doanh liên kết giảm 31% về còn 262 tỷ đồng; Phải thu ngắn hạn vẫn ở mức rất cao 1.112 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là tại Vietravel Holdings với 965 tỷ đồng như đầu kỳ, đây là khoản phải thu tiền chuyển nhượng cổ phần; tiền mặt giảm mạnh gần phân nửa xuống còn hơn 64 tỷ đồng. 

Hiện Vietravel đang nắm 43,92% vốn tại Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) tương ứng đã chi ra 571 tỷ đồng, nhưng đã lỗ 310 tỷ đồng từ khoản đầu tư này (riêng 6 tháng 2022 lỗ 117 tỷ đồng). 

Theo Vietravel, trong quý 2/2022 công ty có lãi trước thuế công ty mẹ gần 49 tỷ đồng nhưng sau khi hợp nhất lỗ gần 7 tỷ đồng.

Thị trường hàng không nội địa bắt đầu hồi phục kể từ tháng 42022, tăng trưởng mạnh trong những tháng tiếp theo do rơi vào giai đoạn hè. Vietravel Airlines đã tăng cường và đa dạng các đường bay trong nước. Số chuyến bay của hãng trong tháng 6/2022 tăng 10-15% so với các tháng trước đó và tăng 40% so cùng kỳ. Hệ số tải của hãng luôn đạt trên 90%.

Tuy nhiên thị trường quốc tế chưa phục hồi, giá nhiên liệu (chiếm 40% chi phí) tăng đột biến, mức giá nhiên liệu bình quân tăng gần gấp đôi so cùng kỳ nên mặc dù hoạt động kinh doanh của Hãng có sự hồi phục và phát triển ấn tượng nhưng doanh thu vẫn chưa thể bù đắp cho các khoản chi phí. 

Quý 3/2022, Vietravel kỳ vọng đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu về du lịch, cao hơn kết quả Vietravel đã đạt được trong quý 2 năm 2022. Dịp kinh doanh cao điểm hè của ngành du lịch gần như đã qua nhưng theo đánh giá của Vietravel, kế hoạch này hoàn toàn có thể thực hiện được do thị trường du lịch quốc tế (khách đi du lịch nước ngoài và khách quốc tế đến Việt Nam) sẽ tăng cao trong thời gian sắp tới.