CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM) sẽ chốt danh sách nhận cổ tức đợt cuối năm 2021 và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 vào ngày 7/7, dự kiến sẽ thanh toán vào ngày 19/8.
Cụ thể, Vinamik sẽ trả cổ tức còn lại năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 9,5% (950 đồng/cp) và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp).
Với hơn 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Vinamilk sẽ phải chi ra khoảng 5.120 tỷ đồng để trả cổ tức.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ là 38,5%, tương ứng 3.850 đồng/cp. Tổng giá trị cổ tức chi trả bằng tiền dự kiến là 8.046 tỷ đồng.
Mức chi trả cổ tức năm 2021 thông qua cũng là là 3.850 đồng/cp. Trong đó, Vinamilk đã tạm ứng hai đợt cổ tức trong năm 2021 với tổng tỷ lệ 29%.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất nắm 36% vốn của Vinamilk. Theo đó, riêng SCIC sẽ nhận về khoảng 1.843 tỷ đồng từ cổ tức của Vinamilk trong đợt chi trả này.
Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Lãi gộp đạt 5.625 tỷ đồng, tương ứng giảm 2%; biên lợi nhuận gộp trong quý 1/2022 bị thu hẹp từ 43,6% xuống còn 40,5%, mức thấp nhất trong nhiều quý. Việc giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh thời gian qua ít nhiều tác động tới biên lợi nhuận Vinamilk.
Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 12% lên 320 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại gia tăng đáng kể lên 132 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vỏn vẹn 6 tỷ đồng. Hơn nữa, khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết cũng tăng mạnh: từ lỗ 9 tỷ đồng quý 1/2021 lên lỗ 35 tỷ đồng trong quý 1 năm nay.
Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Vinamilk dường như đi ngang, ghi nhận lần lượt 2.636 tỷ đồng và 370 tỷ đồng, tương ứng cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 đạt 2.283 tỷ đồng, LNST quý 1/2021 đạt 2.597 tỷ đồng, tương đương mức giảm của năm nay là 12% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) giảm còn 973 đồng.
Theo đánh giá của VCBS, thị trường sữa tươi nội địa sẽ dần ổn định trong năm 2022, tuy nhiên VNM có thể không còn quá nhiều dư địa tăng trưởng. Thay vào đó, việc mở rộng kinh doanh mảng khác như thịt bò sẽ thúc đẩy VNM tăng trưởng từ hai con số từ 2023-2024 trở đi.
Ngoài ra, theo các chuyên gia SSI Research, VLC và Sojitz đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) đầu tư 500 triệu USD vào dự án thịt bò tại Vĩnh Phúc. Giai đoạn ước tính đi vào hoạt động trong 2023, doanh thu ước tính đạt 2,5 - 3 nghìn tỷ đồng sau 5 năm. VNM hướng tới thị trường thịt bò cao cấp có thương hiệu, đây là thị trường chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu.