Vĩnh Phúc: "Trà hoa vàng" nguồn dược liệu quý ở Tam Đảo

Hiện trên địa bàn huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có 9 vườn trồng trà hoa vàng với diện tích khoảng 6 -7 ha tập trung ở các xã Tam Quan, Đại Đình. Trong đó chủ yếu các vườn trồng trà để bán cây giống và một số ít vườn được thu hoạch. Cây trà hoa vàng được mệnh danh là “vàng xanh” của vùng đất Tam Đảo, không chỉ bởi lợi ích của nó mang lại mà còn bởi giá trị kinh tế rất lớn.

Trà hoa vàng hay còn gọi là kim hoa trà, là loại cây quý hiếm, có nhiều giá trị sử dụng. Theo "Camellia International Journal" - tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8% trong khi chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% đã có thể xem là thành công trong điều trị ung thư; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu, trong khi dùng các loại thuốc khác thì mức độ giảm chỉ là 33,2%... Song hiện nay, trà hoa vàng đang trên đà bị đe dọa do mất môi trường sống cũng như việc thu lượm cây giống thái quá.

Ở Việt Nam có khoảng 26 loại trà hoa vàng, trong đó vùng đất Tam Đảo của Vĩnh Phúc được thiên nhiên ưu đãi rất lớn với sự tồn tại của giống trà hoa vàng quý hiếm này. Việc bảo tồn và phát triển nguồn trà hoa vàng trên địa bàn huyện đang ngày một được quan tâm.

Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được tới thăm khu vườn trồng trà hoa vàng của Phó Bí thư Huyện ủy Tam Đảo, ông Nguyễn Văn Đăng. Một khu vườn rộng gần 5.000m2 phủ kín màu xanh và tràn ngập hương trà hoa vàng đang mùa nở rộ. Trong vườn có khoảng 4.500-5.000 cây trà hoa vàng các loại ở độ tuổi khác nhau, nhưng chỉ có khoảng 600-700 cây ở độ tuổi thu hoạch. Mỗi gốc trà được coi là một tài sản của gia đình, những gốc to có giá lên tới hàng chục triệu đồng/gốc, gốc bé hơn có đường kính tầm 7-10cm cũng có giá từ 3 - 4 triệu đồng/gốc.

Với niềm đam mê cùng cây trà, ông Đăng chia sẻ: Vườn trà này được khoảng hơn 3 năm tuổi. Đến với cây trà cũng là một cơ duyên với ông, là một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng Nghị quyết khôi phục, bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn Tam Đảo, khi nghiên cứu bản thân cảm thấy bị cuốn hút bởi giá trị, công dụng của cây trà hoa vàng, ông Đăng đã mua một số cây trà hoa vàng của người dân địa phương về thử sức trồng.

Vườn trà hoa vàng đang cho thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Văn Đăng
Vườn trà hoa vàng đang cho thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Văn Đăng

Khác với những loại cây trồng thông thường khác, đa số các giống cây trà hoa vàng thích hợp phát triển vào mùa đông, hoa trà trổ nụ từ khoảng tháng 6 âm lịch, và nở vào dịp trước, trong hoặc sau tết Nguyên đán. Cây trà khoảng 5-6 năm tuổi mới bắt đầu ra hoa. Với điều kiện gieo trồng hoàn toàn tự nhiên, thực sự những bông trà hoa vàng lớn lên là “tinh túy của mẹ thiên nhiên”.

Năm nay là năm thứ 2 vườn trà của gia đình ông Đăng được thu hoạch. Không giấu được sự vui mừng, tự tay pha trà hoa vàng mời chúng tôi thưởng thức, ông Nguyễn Văn Đăng vừa giãi bày, điều bản thân muốn thì rất nhiều, nhưng chỉ hy vọng rằng cái quý của loại trà dược liệu này sẽ ngày được biết đến nhiều hơn và tiến xa hơn nữa loại trà này sẽ xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Hiện tại, lượng hoa và lá trà khô mà gia đình làm ra không đủ cung cấp cho thị trường, sản phẩm làm ra được những người biết đến đặt mua. Ngoài nguồn thu nhập từ hoa và lá trà khô, việc bán cây giống cũng mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình, mỗi cây giống được bán với giá khoảng 200.000đ/cây.

Sản phẩm "Trà hoa vàng" nguồn dược liệu quý ở Tam Đảo
Sản phẩm "Trà hoa vàng" nguồn dược liệu quý ở Tam Đảo

Trà hoa vàng là một trong những cây dược liệu quý được tỉnh Vĩnh Phúc rất chú trọng, quan tâm bảo tồn. Song việc phát triển trồng cây trà hoa vàng tại Tam Đảo vẫn còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, tốc độ phát triển chậm, sản xuất chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng,…Hy vọng rằng, những mô hình trồng cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao như trà hoa vàng trong thời gian qua, sẽ trở thành hạt nhân quan trọng để thúc đẩy hình thành vùng dược liệu quy mô lớn ở Tam Đảo hiện nay.

Sơn Thủy - Xuân Sỹ