Thị trường đang trong sóng tăng 5 nên có khả năng VN-Index sẽ sớm hồi phục trở lại
Thị trường điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 22/11) với thanh khoản tiếp tục trên mức trung bình. Cụ thể, VN-Index giảm 5,1 điểm (giảm 0,35%) xuống 1.447,25 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tiêu cực với 135 mã tăng, 23 mã tham chiếu, 460 mã giảm. HNX-Index giảm 9,35 điểm (giảm 2,06%) xuống 444,62 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tiêu cực với 46 mã tăng, 29 mã tham chiếu, 275 mã giảm. Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với khối lượng khớp lệnh 1.391 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh 39.103 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh đã giúp thu hẹp mức giảm của thị trường chung và giúp chỉ số VN30 (+1,13%) tăng khá mạnh, có thể kể đến các mã như HDB (+7%), TPB (+6,9%), CTG (+5,2%), MBB (+3,2%), STB (+3,2%), BID (+2,6%), ACB (+2,1%), VCB (+1,8%), TCB (+1,5%), VPB (+1,4%)...
Nhóm cổ phiếu thép cũng hồi phục sau chuỗi giảm mạnh trước đó, có thể kể đến các cổ phiếu như HPG (+1,4%), HSG (+2,4%), NKG (+1,2%), SMC (+1,9%)...
Ở chiều ngược lại, hàng loạt cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ bị chốt lời và đồng loạt giảm mạnh, thậm chí giảm sàn, có thể kể đến như GEX (-7%), KBC (-7%), DIG (-7%), NLG (-6,9%), DXG (-7%), ITA (-6,7%), CII (-6,9%), IJC (-6,9%), TCH (-6,8%), ROS (-6,9%)...
Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị bán mạnh và đồng loạt giảm PVD (-6,8%), BSR (- 7,7%), PVS (-5,7%), PLX (-5,9%), PVC (-9,2%)...
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), phiên giao dịch đầu tuần đã diễn ra tương đối kịch tính với việc các chỉ số tăng mạnh vào đầu phiên nhưng ngay sau đó, áp lực bán gia tăng mạnh khiến hàng loạt cổ phiếu tăng nóng trước đó giảm mạnh, thậm chí giảm sàn. Rất may là cổ phiếu ngân hàng có sự quay trở lại để chống đỡ thị trường.
Với phiên giảm 22/11 thì chỉ số VN-Index đã đánh mất ngưỡng tâm lý 1.450 điểm khiến cho xu hướng tăng có sự suy yếu. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn thì thị trường vẫn đang trong sóng tăng 5 nên có khả năng VN-Index sẽ sớm hồi phục trở lại.
“Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 23/11, VN-Index có thể sẽ tăng điểm trở lại để lấy lại ngưỡng tâm lý 1.450 điểm. Tuy nhiên, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì VN-Index có thể sẽ cần lùi về vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.420-1.425 điểm để tìm kiếm lực cầu. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và đã mua thêm trong phiên 11/11 khi thị trường test hỗ trợ 1.450 điểm có thể tiếp tục canh những nhịp tăng điểm trong phiên để giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, những quyết định mua mới vào thời điểm hiện tại sẽ cần sự thận trọng và xem xét kỹ lưỡng”, chuyên gia SHS cho biết.
Thị trường vẫn chịu áp lực điều chỉnh khi dòng tiền đang có sự cơ cấu lại
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu đầu cơ ngày càng rõ nét, đây cũng là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của nhóm cổ phiếu midcap và smallcap từ đỉnh cao mới. Dòng tiền đang hướng về nhóm cổ phiếu ngân hàng dứt khoát và mạnh mẽ. Do vậy, chỉ số Vn30 có khả năng sẽ vượt đỉnh tháng 11 nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh thanh khoản tăng dần.
Nhìn chung, thị trường vẫn chịu áp lực điều chỉnh khi dòng tiền đang có sự cơ cấu lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều cơ hội trong lúc này sau khoảng thời gian tích lũy hơn 3 tháng vừa qua. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thuộc các nhóm dầu khí, bất động sản (bao gồm cả BĐS khu công nghiệp) đã giảm sâu trong những phiên vừa qua cũng sẽ nhận được dòng tiền bắt đáy.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nhóm Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ VN-Index nhưng vẫn chưa thể giúp chỉ số giữ được sắc xanh khi kết thúc phiên.
Thanh khoản khớp lệnh giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao, cho thấy áp lực chốt lời vẫn đang hiện hữu. Diễn biến thị trường đang có sự phân hóa mạnh và rủi ro đang dồn về phía các cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua bất chấp yếu tố cơ bản.
Mặc dù VN-Index vẫn trong tình trạng suy yếu nhưng với động lực hỗ trợ của một số cổ phiếu có vốn hóa lớn, có khả năng quá trình thăm dò của VN-Index vẫn chưa kết thúc và có thêm phiên giao dịch kiểm tra cung cầu trước cản 1.465 điểm.
Do vậy, Quý nhà đầu tư vẫn nên chờ đánh giá lại trạng thái thị trường. Tuy nhiên, vẫn nên tránh các cổ phiếu đã tăng nóng bất chấp yếu tố cơ bản; đối với các cổ phiếu chưa tăng nóng nhưng có áp lực bán lớn thì cũng nên xem xét giảm tỷ trọng khi có nhịp hồi phục, nhằm thu hồi tiền mặt và dự phòng rủi ro cho danh mục.