Vỡ mộng tỷ phú khi lan đột biến hết thời

Cách đây không lâu, một ki lan đột biến có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Thời người người, nhà nhà "sốt" theo lan đột biến đã là dĩ vãng, giấc mộng tỷ phú của nhiều nhiều cũng theo đó mà bay xa.

Năm 2018, hoa lan đột biến bắt đầu xuất hiện, gây sự chú ý trên thị trường. Một ki (mầm mọc ra từ mắt ngủ trên thân) lan đột biến lúc đó tùy vào từng loại có giá gần chục triệu đồng. Khi nhiều người tìm kiếm lan đột biến để mua, giá nhảy vọt, tăng từng ngày khiến giới chơi hoa lan choáng váng.

Một người chơi lan ở Ninh Bình chia sẻ, vì có thú chơi lan cảnh nên khi biết đến loài lan đột biến cũng đã bỏ cả trăm triệu đồng để mua một ki 5 cánh trắng Phú Thọ, một ki 5 cánh trắng HO về chơi. Về chăm chỉ thời gian sau lan tốt, kích ra được nhiều mầm gốc, kích ki bán, ông đã có lãi hàng chục triệu đồng.

Lan đột biến gây sốt một thời
Lan đột biến gây sốt một thời

Đến năm 2020 lan đột biến bắt đầu gây "sốt" thị trường. Mỗi ki lan loại 5 cánh trắng Phú Thọ đã có giá từ 10 đến 20 triệu đồng. Thấy dễ kiếm tiền từ loài lan này, có nhiều bỏ ra gần nửa tỷ đồng để mua lan đột biến gồm: một ki Bạch Tuyết giá 200 triệu đồng, một ki Hồng Minh Châu giá 100 triệu đồng và nhiều ki Hồng Yên Thủy mỗi ki giá gần 100 triệu đồng

Người chơi không tiếc bỏ ra hàng chục tỷ đồng chỉ để được sở hữu cây lan bé tí tẹo có cái tên mỹ miều như: Người đẹp Bình Dương, người đẹp không tên, Bạch Tuyết…

Khi các giao dịch lan đột biến lên đỉnh điểm, nhiều người ở Ninh Bình, Hòa Bình và nhiều tỉnh thành trên cả nước bán đất đai, nhà cửa, tài sản để đầu tư mua giống lan đột biến về chăm sóc bán, ôm mộng thành tỷ phú. Có người đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua các giống lan đột biến; chưa kể không tiếc hàng trăm triệu đồng làm nhà bảo vệ và chăm sóc lan.

Các cuộc mua bán, ngã giá lan đột biến giá trên trời khiến người người, nhà nhà "sốt" xình xịch. Nhưng không lâu sau đó thị trường lan đột biến bất ngờ "tụt dốc không phanh". Mỗi centimet lan đột biến đang có giá hơn một trăm triệu đồng xuống chỉ còn chục triệu đồng"

"Lan đột biến giờ còn rẻ hơn lan thường, thậm chí rẻ hơn rau muống. Rau muống bán còn có người mua, lan đột biến giờ bán chẳng ai nhìn ngó tới. Mới đây có khách hỏi mua cây lan của tôi về chơi với giá rẻ còn hơn cho, tôi đồng ý bán nhưng nhiều ngày sau cũng chẳng thấy khách đến. Lan đột biến hết thời rồi!" - một người chơi lan ở Ninh Bình chia sẻ

Người đàn ông ngoài 50 tuổi ở Ninh Bình tâm sự, ông còn may mắn hơn nhiều người vì chơi lan đột biến sớm nên khi bắt nhịp cũng kiếm được ít tiền. Chỉ vì bỏ tiền mua thêm lan vào lúc đại hạ giá để "bắt đáy" nên không lời cũng không lãi. Nhiều người "đua" theo cuộc chơi lan đột biến giờ chẳng còn gì. Có người đầu tư nhà trồng, bảo vệ lan tiền tỷ giờ rơi vào thảm cảnh tháo ra bán sắt vụn.

Trước đó, Cục Trồng trọt đã đưa ra cảnh báo với người dân về rủi ro trồng và kinh doanh "lan đột biến".

"Giao dịch lan đột biến được cho lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ thời gian qua mang tính dân sự thuận mua vừa bán, cơ quan quản lý không thể yêu cầu một giống hoa chỉ được bán với mức giá nào đó", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu ý kiến.

Tuy nhiên, ông nêu rõ lan đột biến hoàn toàn có thể nhân nuôi bằng biện pháp bình thường hoặc áp dụng khoa học công nghệ như nhân nuôi trong ống nghiệm. Do đó cây không mang tính chất độc bản, duy nhất.

"Các giao dịch lan đột biến hiện không minh bạch, giá trị sử dụng không rõ ràng. Tôi tin rằng chỉ một thời gian nữa hoa lan đột biến sẽ trở về với giá trị thực. Nếu không tỉnh táo thì rất nhiều người sẽ khuynh gia, bại sản", ông Cường khuyến cáo và so sánh "cơn sốt" lan đột biến với phong trào nuôi chó Nhật ở Việt Nam cách đây 30 năm hay "bong bóng" hoa tuylip ở Hà Lan thế kỷ XVII.