Vốn FDI vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đạt 5,45 tỷ USD

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính trong quý 1/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Vốn đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm đạt gần 5,45 tỷ USD
Vốn đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm đạt gần 5,45 tỷ USD

Cụ thể, trong quý 1/2023 cả nước có 522 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (tăng 62,1% so cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD (giảm 5,9%).

Có 234 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 2,6%) với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 1,21 tỷ USD (giảm 70,3%). Bên cạnh đó, có 703 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 4,2%) với tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,22 tỷ USD (giảm 25,5%). Vốn thực hiện của dự án FDI 3 tháng đầu năm ước đạt hơn 4,3 tỷ USD, giảm 2,2%.

Có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 1,69 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 26,3% so với cùng kỳ 2022; Trung Quốc đứng thứ hai với gần 552 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư, giảm 38,3% so với cùng kỳ.

Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 477 triệu USD, chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư, tăng 47,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Hà Lan...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện nay có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới nhưng tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 3 tháng.

Vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm do không có nhiều các dự án điều chỉnh vốn lớn song mức giảm đã được cải thiện hơn so với 2 tháng đầu năm. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng trở lại.

Tiến Hoàng