Vùng trà Shan tuyết Pà Cò

Ở độ cao trên 1000 mét so với mực nước biển, quanh năm sương mù, Pà Cò (Mia Châu) nổi tiếng bởi có những cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi mọc rải rác khắp 9 bản của xã.

Pà Cò nằm cheo leo trên các núi đá cao có độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển, ẩn mình dưới màn sương mù dày đặc, trắng xóa. Khí hậu ở đây mát mẻ, cái nóng hình như không xuất hiện nơi này. Tuyệt hơn là nơi đây có rừng chè shan tuyết cổ thụ tồn tại nhiều đời, cây chè gốc to xum xuê, mỗi gốc chè phải có chín, mười người trèo lên hái búp cùng một lúc. Ở đây, trẻ con người Mông sinh ra vẫn có tục lấy lá chè cổ thụ xát vào tay và bàn chân để bàn tay đi rừng, bàn chân leo núi dạn dày hơn.

Vùng trà Shan tuyết Pà Cò  - Ảnh 1

Pà Cò là một xã vùng cao thu với phần lớn bà con là người H’Mông. Trở xuôi về khoảng hai thập kỷ trước, Pà Cò nổi danh với cái tên “thủ phủ thuốc phiện’ của Việt Nam, hạ tầng kinh tế vô cùng khó khăn, tỷ lệ dân nghèo và người không biết chữ rất cao. Ngày đó ở Pà Cò nhà nhà đều trồng thuốc phiện với diện tích khủng, trong sân, quanh nhà đâu đâu cũng có thuốc phiện.

Ngày nay khi đến với Pà Cò, chúng ta sẽ không còn thấy bất cứ dấu tích nào của những tệ nạn năm xưa. Xung quanh nhà bà con, những cánh đồng chè Shan Tuyết bạt ngàn đã thay cho những cánh đồng thuốc phiện.

Nằm ở độ cao trên nghìn mét so với mực nước biển, xã Pà Cò được coi là thủ phủ của rừng trà cổ thụ. Pà Cò khí hậu mát mẻ, mùa Đông thường xuyên có mây mù phủ kín, lạnh giá, xung quanh còn nhiều rừng nên độ ẩm cao, phù hợp với cây chè, vì vậy chất lượng chè rất đặc biệt. Rừng trà mọc rải rác khắp 9 bản của xã. Theo người dân nơi đây, có cây trà tuổi đời cả trăm năm rồi, ngày trước các cụ thường  lấy lá tươi về uống.

Ở Pà Cò còn lưu lại truyền thuyết về vùng trà này: Xưa có loài chim Phượng Hoàng mỏ vàng chỉ ăn quả chè trên cây mọc tít trên đỉnh núi cao. Khi chim Phượng Hoàng về vùng đất này đã mang các quả chè của vùng Tây Bắc rải khắp vùng. Hạt chè rơi xuống núi Pá Háng (Pà Cò) nhờ khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng thích hợp đã phát triển thành rừng, có những cây trên trăm tuổi trên vách núi. Rừng chè có chiều rộng chỉ 1km nhưng trải dài đến hàng chục kilo-met, có đến hàng nghìn hàng vạn cây chè cổ thụ và có lẽ đi cả tuần mới đếm hết được số cây chè trong rừng. Bà con người Mông tụ hội về đây khi thấy cây chè sinh sôi nẩy nở và sống cùng cây chè. Họ cứ hái, bẻ cành cho vào chảo gang sấy hay phơi trên gác bếp dùng dần. Khách đến nhà người Mông ở đây nhất định được mời trà.

Vùng trà Shan tuyết Pà Cò  - Ảnh 2

Với phẩm chất trà thuộc loại ưu việt bậc nhất, trà Shan tuyết Pà Cò cho ra chất nước vàng sánh óng ánh, độ chát ngọt dai dẳng và hương rừng mạnh mẽ. Một ngụm trà Shan tuyết Pà Cò cho ta cảm giác của một người quay đầu, thoát khỏi sông mê, về lại bờ giác. Tưới tắm hồn mình trong hương núi vị rừng, an nhiên và thi vị.

Chè cổ thụ xã Pà Cò là giống chè Shan tuyết, tôm có phấn trắng, sau khi sao lên có màu phấn trắng tự nhiên như tuyết phủ bên ngoài. Nước chè màu vàng trong, nhấp một ngụm cảm nhận vị đắng nhẹ, thơm; khi uống vị ngọt đượm lại lâu.

 Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền cho biết, hiếm có loại trà nào lại đạt được độ sạch và độ an toàn như trà Shan tuyết. 100% những búp chè shan tuyết được chọn lọc từ những cây chè cổ thụ nằm trên độ cao 1200m so với mực nước biển của đồi chè cổ thụ Hòa Bình.

Theo bà Tâm, những cây chè shan tuyết cổ thụ ở Pà Cò  sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên, không chịu bất cứ sự tác động chăm bón nào của con người. Từng búp chè được bà con H'Mong lựa chọn tỉ mỉ trên những cây chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời trên dưới 200 tuổi và nằm ở độ cao trên 1200m so với mực nước biển.

Theo thống kê của UBND huyện Mai Châu, xã Pà Cò có khoảng 115 ha chè shan được trồng với khoảng 1.250 gốc chè cổ thụ tự nhiên, trong đó 85% đang cho thu hoạch ổn định với sản lượng ước đạt 160 tấn/năm. Trong đó có cây trà hơn 500 năm tuổi, xanh ngắt tỏa bóng rợp một khung trời. 

Để khai thác tiềm năng của cây trà, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt dự án đầu tư công trình hỗ trợ xây dựng xưởng chế biến chè Shan tuyết xã Pà Cò huyện Mai Châu. Nhà xưởng có công suất thiết kế 5 tấn búp tươi/ngày, đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động từ cuối năm 2019 với hệ thống máy sào, máy vò chè, máy sàng tơi, máy sấy vỉ, lò đốt… đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các đơn vị nhập khẩu và phân phối sản phẩm.

Cho đến nay,  huyện Mai Châu cũng như xã Pà Cò xác định cây chè là cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chỉ đáp ứng từ 30 – 50% công suất. Với tín hiệu tích cực từ thị trường, nhiều hộ gia đình đang mở rộng diện tích trồng chè shan, tăng thu nhập, phát triển kinh tế của xã miền núi cao của tỉnh Hòa Bình.