Vườn quất Văn Giang: Nỗ lực hồi sinh sau bão để phục vụ Tết Nguyên đán

Sau bão, người dân Văn Giang (Hưng Yên) đang gấp rút khôi phục vườn quất để kịp phục vụ Tết Nguyên đán. Với tay nghề khéo léo và nỗ lực chăm sóc, họ kỳ vọng mang đến những cây quất cảnh độc đáo, chất lượng, góp phần tô điểm cho mùa xuân mới.

Sau hơn một tháng kể từ khi bão số 3 đi qua, người dân làng nghề trồng hoa và cây cảnh tại Văn Giang, Hưng Yên đang gấp rút khôi phục các vườn quất để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán. Huyện Văn Giang được mệnh danh là “thủ phủ” của các loại hoa, cây cảnh với diện tích khoảng 1.000 héc-ta, trong đó quất cảnh chiếm đến 30%, tập trung tại các xã Thắng Lợi, Mễ Sở, Liên Nghĩa, và Tân Tiến.

Nông dân xã Mễ Sở (Văn Giang) cắt tỉa cành và quả cho cây quất cảnh.
Nông dân xã Đông Tảo (Khoái Châu) gò thế, tạo dáng cho cây quất cảnh.

Từ tháng 10, khi quả trên cây đã phát triển ổn định, các nhà vườn bước vào giai đoạn nước rút, tập trung gò thế, tạo dáng cho cây. Không khí lao động trên các cánh đồng trở nên khẩn trương và tất bật. Đây là khoảng thời gian then chốt để tạo ra những dáng quất đẹp, độc đáo, đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp Tết.

Ông Đỗ Văn Nóng, một nông dân tại thôn Phú Trạch, xã Mễ Sở, chia sẻ: "Gia đình tôi trồng hơn 500 cây quất. Mặc dù việc chăm sóc diễn ra quanh năm, nhưng vào giai đoạn này, chúng tôi phải tập trung cao độ để gò thế và tạo dáng cho cây. Khi quả đã đạt độ phát triển ổn định, tôi bắt đầu tỉa bớt cành, níu các nhánh và cắt quả thừa để cây bật lộc và ra hoa đúng dịp Tết."

Nông dân xã Mễ Sở (Văn Giang) cắt tỉa cành và quả cho cây quất cảnh.
Nông dân xã Mễ Sở (Văn Giang) cắt tỉa cành và quả cho cây quất cảnh.

Ngoài quất lùm truyền thống, các nhà vườn tại Văn Giang còn phát triển nhiều mẫu mã mới như quất chum, quất bonsai trồng trong chậu, ang. Những cây quất được trồng trong chậu được uốn cành ngay từ khi còn non, trong khi quất trồng trên đất phải trải qua 6-7 tháng sinh trưởng tự nhiên trước khi bước vào công đoạn gò thế. Những dáng cây phổ biến nhất là dáng tháp truyền thống, nhưng cũng có những nghệ nhân sáng tạo ra các hình dáng cầu kỳ như lục bình hay linh vật, tăng thêm giá trị nghệ thuật cho cây.

Ông Nguyễn Văn Xuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Nghĩa, cho biết: "Quá trình gò cành quyết định hình dáng cuối cùng của cây. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và mắt thẩm mỹ cao, đặc biệt với những cây được tạo dáng độc đáo." Công đoạn này kéo dài khoảng hai tháng, từ tháng 9 đến hết tháng 10 âm lịch. Những nhà vườn có diện tích lớn thường thuê thêm lao động với tiền công dao động từ 400.000 đến 500.000 đồng/ngày/người.

Ông Đoàn Văn Phan, một chủ vườn ở xã Đông Tảo, chia sẻ thêm: "Năm nay, gia đình tôi trồng 1.000 cây quất lùm. Để kịp tiến độ, chúng tôi đã thuê 6 thợ chuyên nghiệp với tiền công 400.000 đồng/ngày mỗi người. Thậm chí, phải liên hệ và đặt lịch thợ từ tháng 3 vì thời điểm này nhà nào cũng cần người." Những thợ gò cây thường làm việc theo đội 3-5 người để đảm bảo hiệu quả. Việc gò thế cho một cây quất loại vừa và nhỏ mất từ 1-2 giờ, trong khi các cây lớn có thể tốn cả ngày, thậm chí vài ngày với những dáng thế phức tạp như lục bình.

Mặc dù bão số 3 đã gây thiệt hại không nhỏ, làm nhiều diện tích bị ngập úng và hư hỏng, nhưng người trồng quất tại Văn Giang đang nỗ lực phục hồi các vườn cây còn lại. Thời tiết hiện tại thuận lợi cho việc chăm sóc và phát triển cây, giúp nhà vườn tiếp tục theo dõi quả, tỉa cành và điều chỉnh tán lá để cây ra hoa và lộc đúng dịp Tết.

Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần tập trung vào những tán chính của cây, cắt tỉa các cành phụ, đồng thời áp dụng các biện pháp điều chỉnh phù hợp với thời tiết nhằm đảm bảo cây có đủ hoa, lộc, quả xanh và quả chín vào đúng thời điểm. Nhờ sự chăm sóc kỹ lưỡng và tay nghề khéo léo của những người thợ, các vườn quất Văn Giang hứa hẹn sẽ mang đến những sản phẩm đẹp mắt và chất lượng cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay.

Tâm Ngọc

Từ khóa:
#h