Theo ông Nguyễn Danh Kỳ – Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang, đề án được xây dựng trên cơ sở tham vấn các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương, tập trung vào ba mục tiêu chính: tạo hành lang pháp lý thu hút đầu tư; nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ và ý thức cộng đồng về bảo vệ rừng; xây dựng khu du lịch sinh thái với mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa bảo tồn rừng và phát triển kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Danh Kỳ – Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang nói về đề án phát triển du lịch Vũ Quang
Hướng tới phát triển bền vững
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút tối thiểu 15.000 lượt khách du lịch, trong đó 8% là khách quốc tế. Tỷ lệ lưu trú qua đêm đạt khoảng 30% tổng lượt khách, doanh thu du lịch ước tính đạt tối thiểu 20 tỷ đồng. Đồng thời, khu vực dự kiến tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động địa phương, gắn với đào tạo chuyên môn về du lịch sinh thái và phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư vùng đệm.
Tỉnh Hà Tĩnh kỳ vọng sẽ thu hút 5 nhà đầu tư chiến lược thông qua cơ chế thuê môi trường rừng để triển khai các mô hình du lịch đa dạng. Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 672,5 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm tới 97,23%, còn lại là vốn ngân sách nhà nước (khoảng 11,2 tỷ đồng).
Lòng hồ Ngàn Trươi – “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn
Lòng hồ Ngàn Trươi – hồ chứa nước lớn thứ ba cả nước
Một trong những lợi thế nổi bật của Vũ Quang là lòng hồ Ngàn Trươi – hồ chứa nước lớn thứ ba cả nước. Đây sẽ là điểm nhấn cho các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm như chèo thuyền, đua ngựa, tổ chức lễ hội theo mùa. Khu vực dự kiến phát triển 8 điểm du lịch nghỉ dưỡng và hàng loạt sản phẩm du lịch hấp dẫn: du lịch mạo hiểm, dã ngoại, leo núi, du thuyền, cắm trại, nghiên cứu khoa học, hội nghị – hội thảo, khám phá thiên nhiên...
Song song với đó, các sản phẩm nông nghiệp bản địa như mật ong, mật mía, cam Vũ Quang… sẽ được tích hợp vào chuỗi giá trị du lịch nhằm nâng cao giá trị tiêu thụ, gia tăng thu nhập cho người dân và giảm áp lực lên tài nguyên rừng.
Bảo tồn hệ sinh thái rừng và phát triển du lịch hài hòa
Nhiều loại động vật quý hiếm đang được bảo tồn tại đây
Vườn quốc gia Vũ Quang được thành lập năm 2002 với diện tích hơn 57.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 52.700 ha rừng đặc dụng, gần 3.700 ha rừng phòng hộ và khoảng 600 ha rừng sản xuất. Vườn được mệnh danh là “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn, nơi sở hữu hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú bậc nhất cả nước, với 1.823 loài thực vật và hàng trăm loài động vật quý hiếm. Cụ thể, tại đây ghi nhận 94 loài thú, 315 loài chim, 88 loài cá, 58 loài bò sát, 33 loài lưỡng cư và 316 loài bướm, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng, giàu tiềm năng nghiên cứu, giáo dục và du lịch.
Ban Quản lý Vườn quốc gia Vũ Quang sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan để triển khai và giám sát thực hiện đề án đúng quy định pháp luật, đảm bảo tiêu chí phát triển du lịch sinh thái bền vững, không làm tổn hại đến tài nguyên rừng và an ninh khu vực biên giới. Việc đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện nghiêm ngặt trước khi triển khai các hạng mục đầu tư cụ thể.
Ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh cho biết về bảo vệ rừng hiện nay đã thay đổi: không chỉ “ngăn cấm”, mà cần biết khai thác hợp lý, có chọn lọc để rừng trở thành nguồn lực phát triển. Việc đầu tư vào du lịch sinh thái chính là cách khai thác đó – vừa bảo tồn, vừa tạo ra sinh kế ổn định và bền vững cho cộng đồng.
Được biết, đến nay đã có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đã vào khảo sát và ngỏ ý muốn vào đầu tư và phát triển du lịch tại đây.
Diễm Phước- Trí Thức