Xây dựng chiến lược bài bản để trà Việt chinh phục “sân nhà”

Trong những năm gần đây, ngành trà Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trên thị trường quốc tế, nhưng đối với thị trường nội địa, nhiều tiềm năng chưa được khai thác tối đa. Theo các chuyên gia, để trà Việt có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa, các doanh nghiệp trồng và chế biến trà cần một chiến lược bài bản, đồng bộ và hiệu quả.

Theo đánh giá của Hiệp hội chè Việt Nam, thời gian gần đây, ngành chè Việt Nam đã có những bước tiến tích cực. Năng suất và sản lượng chè liên tục tăng nhờ sự thay đổi về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Trong hoạt động chế biến chè, đã có nhiều dây chuyền công nghệ chế biến với mức độ cơ giới hoá cao được bổ sung thay thế tại nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành chè đã thực hiện đa dạng hóa sản phẩm và từng bước nâng cao giá trị gia tăng, đã sản xuất và làm chủ được công nghệ trồng, canh tác, chế biến chè matcha, chè uống liền từ nguyên liệu chè trong nước. Sản phẩm mới đang được thị trường đón nhận giúp nâng cao giá trị sản phẩm chè và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Các doanh nghiệp sản xuất chè shan rừng đã có nhiều thay đổi, nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới, phát huy được lợi thế của trà cổ thụ Việt Nam.

Theo thống kê, khối lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn, do tiêu thụ trong nước chủ yếu là các loại chè đặc sản đóng gói. Khả năng tiêu thụ chè trong nước ở mức ổn định với giá bán ra thị trường bình quân là 150.000 đồng/kg. Những sản phẩm trà đặc sản có thương hiệu, đạt được giá bán rất cao, từ 200.000 đến 1 triệu đồng/kg.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng hàng hóa. Thói quen người tiêu dùng những năm gần đây đã thay đổi, việc phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại hay các đại lý chính hãng đã giúp người tiêu dùng dành sự quan tâm nhiều đối với các sản phẩm an toàn, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý rõ ràng… Điều đó cho thấy, thị trường tiêu dùng Việt đang dần phát triển về chiều sâu.

Xây dựng chiến lược bài bản để trà Việt chinh phục “sân nhà” - Ảnh 1

Theo kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố, người tiêu dùng không chỉ chú trọng những yếu tố cơ bản như chất lượng, giá cả..., mà ngày càng quan tâm tới các yếu tố về an toàn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Riêng đối với sản phẩm ở một số nhóm ngành, gồm: Thực phẩm, đồ uống... thì những yếu tố về an toàn sử dụng, có thông tin rõ ràng về chất lượng và nhà sản xuất ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hơn trước.

Về phía các doanh nghiệp, bà Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thịnh An (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết: Những năm qua, HTX luôn lấy chất lượng sản phẩm an toàn là vấn đề quan tâm hàng đầu để sản xuất hàng hóa. HTX chè Thịnh An luôn nỗ lực hướng các thành viên đến sản xuất an toàn, chất lượng; vấn đề quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, sàn thương mại điện tử cũng được chú trọng. Nhờ đó, đơn vị đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và mục tiêu hướng đến là phát triển sản phẩm tiềm năng lên hạng 5 sao.

“Chúng tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. Đơn vị đang dự tính đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc để sản xuất chè, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hướng tới thị trường tiêu dùng trong nước”, chị Hảo thông tin.

Tương tự, các sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý không chỉ góp phần nâng cao giá trị chè, mang lại nhiều ích lợi cho người sản xuất, mà còn tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng về những sản phẩm đặc biệt được sản xuất theo quy trình chặt chẽ.

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nhận xét: “Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực bắt kịp xu hướng và thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt nhiều hơn. Khi thị trường cạnh tranh gay gắt thì việc xây dựng lòng tin nơi khách hàng, minh bạch thông tin, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm là yếu tố tạo ra lợi thế để tăng trưởng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu và giúp doanh nghiệp có vị trí vững vàng trên thị trường”.

Đánh giá về thị trường nội địa, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam khẳng định thị trường nội địa là “mảnh đất” màu mỡ đối với các doanh nghiệp trà Việt. Theo ông Long, thị trường trong nước với quy mô dân số gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện, tầng lớp trung lưu có xu hướng tăng nhanh và tỷ lệ tiêu dùng so với tổng sản phẩm quốc nội cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực (trên 70%)… Nếu các doanh nghiệp Việt biết khai thác, tận dụng tốt dư địa phát triển của thị trường nội địa sẽ duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách ổn định.

Có thể nói, thị trường trà Việt đang bước vào giai đoạn “trăm hoa đua nở” với rất nhiều nhà đầu tư ở các cấp độ, phân khúc và kênh phân phối khác nhau. Để khai thác được thị trường nội địa, nhiều chuyên gia cho rằng, chất lượng là một yếu tố then chốt để hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận được người tiêu dùng. Hiện nay, yêu cầu của người tiêu dùng nội địa ngày càng khắt khe, đòi hỏi hàng Việt phải có giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập trong khi chất lượng tương đương. Vì vậy, doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đi cùng với việc tổ chức sản xuất một cách tối ưu để sản phẩm có giá cả phải chăng, từ đó mới có thể cạnh tranh được trên thị trường.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, bên cạnh phát triển thương hiệu, cần thực thi một số giải pháp để ngành chè Việt Nam phát triển bền vững, sản xuất với sản lượng lớn, chất lượng tốt mới mang lại giá trị kinh tế cao. Việc quy hoạch vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi cần phải được tiến hành bằng cách mạnh dạn giảm bớt diện tích chè, nếu tại vùng đó diện tích chè quá lớn làm mất sự cân bằng của môi trường sinh thái. Không nên mở rộng diện tích nếu đã đạt những tiêu chí quy định. Đặc biệt, cần dựa vào đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng mà quy hoạch vùng chè tương ứng với giống chè nhằm phát huy tối đa ưu thế từng vùng, ưu thế từng giống chè; từ đó sẽ ưu tiên sản xuất những sản phẩm đặc sản.

Bên cạnh đó, cần tăng cường và đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, để hai bên cùng thực hiện tốt quy trình từ khâu tổ chức sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm chè. Giải quyết tốt được khâu này sẽ giúp nâng cao chất lượng chè, kiểm soát được dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên chè, dần lấy lại được uy tín cho chè Việt Nam trên thị trường. Muốn vậy, ngành chè cần tăng cường phổ biến kiến thức cũng như chuyển giao công nghệ cho người trồng chè để họ có thể sản xuất ra những nguyên liệu đạt chất lượng quy định.

Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan cần có biện pháp mạnh trong việc xử lý những nhà máy chè vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; thậm chí, cần cân nhắc việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh cho các nhà máy không nằm trong vùng chè nguyên liệu và khuyến khích mở rộng mô hình “nhà máy - vườn chè”. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng, giá trị của chè Việt.

Để trà Việt có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa, cần một chiến lược bài bản, đồng bộ và hiệu quả. Trà Việt đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển trong thị trường nội địa. Với việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng, chú trọng đến chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu mạnh, trà Việt hoàn toàn có thể khẳng định vị thế của mình và phát triển bền vững trong tương lai.