Xây dựng cơ sở dữ liệu, bảo tồn và xây dựng thương hiệu trà Việt bền vững

Ngày 10/4, Hội thảo "Thiết lập cơ sở dữ liệu cho việc bảo tồn và xây dựng thương hiệu trà Việt" đã được tổ chức. Đây là Dự án do nhóm chuyên gia của đại học Nguyễn Tất Thành - TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức đối thoại trực tiếp, do Khoa Kỹ thuật thực phẩm và Môi trường, trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Câu lạc bộ Chè đặc sản hữu cơ Việt Nam (VOSTEA) tổ chức với một số chuyên gia trong ngành trà, nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu để hỗ trợ ngành trà Việt Nam phát triển bền vững.

Tham dự hội thảo có Lãnh đạo Hiệp hội chè Việt Nam, Viện nghiên cứu và Phát triển Vùng, Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cùng một số cơ quan khác.

Xây dựng cơ sở dữ liệu, bảo tồn và xây dựng thương hiệu trà Việt bền vững - Ảnh 1

Tại hội thảo, các kết quả nghiên cứu nổi bật đã được các nhà khoa học trình bày, giới thiệu cụ thể. Đại diện cho khoa Kỹ Thuật thực phẩm và Môi trường, TS. Trần Thị Như Trang đã trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ cho việc đánh giá và xác định nguồn gốc một số loại trà sản xuất tại Việt Nam.

Theo đó, nhóm ngiên cứu tập trung xây dựng bộ dữ liệu về hàm lượng nội chất của các nguyên tố hóa học, polyphenol tổng số và nguyên dạng, khả năng kháng oxy hoá của các loại trà khác nhau đến từ nhiều vùng miền canh tác tại Việt Nam. Qua đó, xây dựng các công cụ cho việc đánh giá và xác định nguồn gốc một số loại trà sản xuất tại Việt Nam.

Xây dựng cơ sở dữ liệu, bảo tồn và xây dựng thương hiệu trà Việt bền vững - Ảnh 2

Đây là công trình nghiên cứu khoa học, công phu dựa trên những căn cứ, cứ liệu cụ thể, được khảo sát chặt chẽ, thực tiễn. Sau 5 năm, các nhà khoa học thuộc Khoa Kỹ thuật thực phẩm và Môi trường, trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng nhiều chuyên gia ngành chè đã nghiên cứu nhiều vấn đề xoay quanh, để có thể xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác.  

Xây dựng cơ sở dữ liệu, bảo tồn và xây dựng thương hiệu trà Việt bền vững - Ảnh 3

Đề tài thực hiện khảo sát địa điểm lấy mẫu và thu thập mẫu theo từng vùng trồng trà. Đồng thời, đánh giá cảm quan và xác định một số chỉ tiêu hoá lý cơ bản trong các mẫu trà; đánh giá thành phần nguyên tố trong mẫu trà khô thành phẩm; đánh giá hàm lượng polyphenol tổng số trong các mẫu trà khô thành phẩm ; đánh giá hàm lượng một số nguyên dạng các polyphenol có hoạt tính sinh học cao trong trà khô thành phẩm,…

Từ đó ứng dụng của phương pháp phân tích hồi quy đa biến trong việc phân loại, định danh nguồn gốc hỗ trợ cho việc nhận danh các loại trà. Xây dựng công cụ cho việc đánh giá và xác định nguồn gốc của sản phẩm trà nhằm minh bạch giá trị sản phẩm.

Xây dựng cơ sở dữ liệu, bảo tồn và xây dựng thương hiệu trà Việt bền vững - Ảnh 4

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với một mạng lưới số liệu khổng lồ, liên quan đến những vấn đề từ sản xuất trồng trọt chế biến, sản xuất đến xuất khẩu. Bởi thế, nhóm đã ứng dụng nhiều khoa học công nghệ khác nhau bao gồm công nghệ blockchain; thuật toán đám mây để lưu giữa và xử lý số liệu độc lập.

Theo TS. Trần Thị Như Trang, cốt lõi vấn đề chính là thông tin, bởi sau đó những thông tin này sẽ được dùng để truy suất nguồn gốc. Chẳng hạn làm thế nào để người tiêu dùng biết sản phẩm Trà shan tuyết mà họ uống đến từ Suối Giàng hay Hà Giang, thì cần có kỹ thuật để phân tích chuyên sâu để xác định chính xác. Bên cạnh đó, thành phần của từng loại trà đều có thể thay đổi, tùy theo cách hái, cách pha, do đó những vấn đề này sẽ được đưa vào bộ số liệu để phân tích.  

Khi thiết lập được cơ sở dữ liệu lớn cho việc đánh giá và xác định nguồn gốc một số loại trà sản xuất tại Việt Nam, thì những người làm chè, người quản lý và người tiêu dùng có thể xác định được tính xác thực và khả năng truy suất nguồn gốc, qua đó, xác định được nguồn gốc địa lý, nguồn gốc cách thức chế biến trà. Không những vậy, khi tất cả số liệu được gom lại thể hiện được các mặt trồng trọt, thổ nhưỡng, đất đai, cách chăm sóc chè cho đến khi đưa và xưởng sản xuất, chế biến, lưu trữ sẽ giúp tăng khả năng quản lý chuỗi cung cấp.

Việc sử dụng blockchain để gói từng thông tin tạo thành chuỗi thông tin cũng góp phần để xây dựng hệ thống truy suất nguồn gốc. Hơn nữa, những số liệu cụ thể cũng hỗ trợ người làm chè giới thiệu sản phẩm một cách tỉ mỉ và chính xác tới người tiêu dùng. Ví dụ, khi người uống cảm giác được vị chè thì đó là do có chất gì trong trà.

Thực tế, ở Việt Nam chưa có những số liệu cụ thể về những vấn đề trên, cùng với đó, năng lực phân tích số liệu về chè chưa có sự thống nhất, còn vụn vặt để có thể giúp người dùng thấy được điểm mạnh của chè.

Sau khi xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng loại trà, thì các nhà khoa học cũng xây dựng được hệ thống phân tích riêng, đơn giản hơn, để có những công cụ công nghệ hỗ trợ giúp việc xử lý thông tin nhanh hơn.  

Xây dựng cơ sở dữ liệu, bảo tồn và xây dựng thương hiệu trà Việt bền vững - Ảnh 5

Đánh giá cao đề tài nghiên cứu của nhóm khoa học, các đại biểu đã có những đóng góp, ý kiến giúp các nhà nghiên cứu có thêm nhiều hướng gợi mở và cách tiếp cận để hoàn thiện. TS Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, tiêu chuẩn về chè Việt Nam còn khá sơ sài, thường là dựa vào cảm quan như màu nước, hương vị chè. Thông qua đề tài nghiên cứu mới phát hiện ra rất nhiều hợp chất có trong cây chè có lợi và hai cho sức khỏe. Mong rằng, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu sâu hơn về chất lượng chè, ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật tới chè để có thể ứng dụng thực tiễn kết quả nghiên cứu vào ngành nông nghiệp. 

Kết luận Hội thảo, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, góp ý chỉnh sửa của các đại biểu tham gia, lần nữa làm phong phú thêm những nội dung mà đề tài đã đề cập đến, đồng thời sẽ nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện đề tài. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững thương hiệu chè Việt Nam trong thời gian tới.

Hồng Anh

Từ khóa: