Xây dựng thương hiệu cho nông sản

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới các hình thức đặc thù đối với địa danh gắn với tên gọi sản phẩm nhằm khai thác, phát triển danh tiếng của sản phẩm là xu hướng đã và đang được nhiều nước ưu tiên áp dụng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng, miền phát triển các đặc sản của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 về Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông  nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển tài sản trí tuệ. Nhờ đó, số lượng sản phẩm được bảo hộ thương hiệu cộng đồng ngày càng tăng nhanh. Sau bảo hộ, nhiều sản phẩm đã được khai thác và phát triển thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, việc sản phẩm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về nguồn gốc, danh tiếng, chất lượng sản phẩm. Cụ thể, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, vải thiều Lục Ngạn là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật Bản, về đích sớm nhất trong số 3 sản phẩm đặc thù đang đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại quốc gia này.

Ngoài vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận chính thức trở thành những sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện tại, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa, Bến Tre là các tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (Yên Bái: 8; Hà Giang: 7; Thanh Hóa: 6; Bến Tre: 5).

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đối với những sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao về số lượng và chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP), thiết lập và áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Các tỉnh này cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tăng cường quản lý sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Đánh giá về việc xây dựng thương hiệu nông sản, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ Lê Thị Thu (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tính đến đầu tháng 8/2022, cả nước đã có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó đã cấp chứng nhận cho 116 sản phẩm và cũng đã có 1.682 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Một số sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đang được xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới như: Nước mắm Phú Quốc, chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)...

Mặt khác, theo Cục Sở hữu trí tuệ, thời điểm hiện tại đã có hơn 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký, song tình trạng các nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm ngày càng tăng. Chưa kể, bảo hộ sở hữu trí tuệ có nguyên tắc cơ bản là bảo hộ theo lãnh thổ. Do đó, nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam chỉ có giá trị bảo hộ tại Việt Nam, không được bảo hộ tại lãnh thổ nước khác.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản (Bộ NN&PTNT), số lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và quốc tế còn hạn chế. Nhiều nơi chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng. Cũng về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều doanh nghiệp ngại đăng ký vì thủ tục rườm rà, chồng chéo, nên vô tình đã tạo cơ hội cho một số đối tượng đánh cắp mẫu mã làm hàng giả, hàng nhái... 

Theo chuyên gia thương hiệu Vũ Xuân Trường (Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu - BCSI), để bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam, cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp... Theo đó, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất và thiết lập các vùng sản xuất chuyên canh; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản khuyến cáo thêm, nông sản Việt Nam đã vươn tới nhiều thị trường quốc tế, để bảo hộ sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp khi bán sản phẩm cần gắn nhãn mác hay thương hiệu địa phương, vùng miền và quốc gia (không bán hàng thô, hàng nguyên liệu). Cùng với đó là đa dạng hóa sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, từ đó sẽ giải quyết được tình trạng được mùa mất giá.

Hoài Anh (t/h)