Xây dựng thương hiệu nông sản: Nâng cao giá trị sản phẩm Việt

Xây dựng thương hiệu nông sản có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trước xu thế hội nhập hiện nay. Điều này là do chúng ta đã mở rộng được thị trường tới các quốc gia khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại. Đặc biệt, việc Trung Quốc - thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, chính thức mở cửa cho nhiều nông sản Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và mẫu mã sản phẩm.

Việt Nam đã và đang ngày càng tích cực tham gia vào nền kinh tế thế giới, tham gia nhiều tổ chức kinh tế trong khu vực và toàn cầu, chẳng hạn như ASEAN, WTO, AFTA... Trong những năm qua, ngành xuất khẩu nông sản là ngành duy nhất mang lại giá trị thặng dư cho cán cân thương mại quốc gia, với sự tăng cả về giá trị xuất khẩu và chất lượng hàng hóa. Đồng thời, danh mục hàng hóa xuất khẩu cũng ngày càng đa dạng hơn. Ngoài các mặt hàng nông sản truyền thống như gạo, cao su, hạt điều, thủy sản, cà phê, gỗ và các sản phẩm gỗ, còn có những sản phẩm mới như hạt tiêu, chè, rau quả, sữa, quế, lạc nhân đã đóng góp tích cực vào tổng giá trị xuất khẩu. Các sản phẩm nông sản đã qua chế biến như sắn và các sản phẩm từ sắn, sản phẩm từ cao su, hàng mây, tre, cói, thảm, sản phẩm sữa cũng đóng góp quan trọng trong việc gia tăng giá trị hàng hóa và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Những thành tựu này cho thấy chất lượng hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, đồng thời phản ánh sự hiệu quả của những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan quản lý kinh tế, trong việc thúc đẩy thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.

Xây dựng thương hiệu nông sản: Nâng cao giá trị sản phẩm Việt  - Ảnh 1

Thực tế cho thấy gần 80% nông sản của Việt Nam được xuất khẩu dưới danh nghĩa của các doanh nghiệp nước ngoài, do chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác... Điều này gây ra tổn thất lớn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Mặc dù chất lượng sản phẩm nông sản đã được cải thiện và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắt khe, tuy nhiên vẫn chưa được ưa chuộng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... Gạo, cà phê và các sản phẩm nông sản khác của Việt Nam, mặc dù có chất lượng không thua kém so với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác, vẫn chưa có thương hiệu trên bản đồ nông sản thế giới. Vì vậy, việc bảo đảm sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe con người, công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm là một yêu cầu cấp bách.

Nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu cho hàng hóa nông sản quốc gia, các cơ quan Trung ương, bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp đã quan tâm, tiếp cận và triển khai vấn đề này. Nhiều chương trình, đề án, dự án, kế hoạch nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu đã được thực hiện từ cấp Trung ương cho đến địa phương, tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới để xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu vùng, miền, địa phương.

Xây dựng thương hiệu nông sản: Nâng cao giá trị sản phẩm Việt  - Ảnh 2

Đến nay, Bộ NN&PTNT đang tập trung xây dựng thương hiệu 4 mặt hàng chủ lực đó là: Gạo, cà phê, cá tra và tôm.Cùng với đó, theo chương trình Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2019, tầm nhìn 2030, Bộ Công Thương phải phát triển thương hiệu thực phẩm với 9 mặt hàng như: Trà, cà phê, tiêu, hạt điều, rau quả, ngũ cốc, thủy sản, rau quả tươi, mật ong. Bộ Công Thương đang lồng ghép việc xây dựng thương hiệu vào các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với sự hỗ trợ của các ngành hàng.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt vẫn đang gặp khó khăn từ giai đoạn sản xuất. Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hiện nay được sản xuất trên quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống cây trồng và vật nuôi thiếu sự kiểm soát và định hướng. Quy trình sản xuất vẫn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm và tập quán, trong khi công nghệ thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch vẫn thủ công và thiếu nâng cao. Việc ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản vẫn chưa được nhiều, dẫn đến chất lượng sản phẩm thiếu đồng nhất và thiếu ổn định.

Đứng trước các khó khăn này, Bộ NN&PTNT cũng đang nỗ lực chỉ đạo xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực của ngành nông nghiệp, tích hợp một số chương trình đã triển khai từ trước đó nhằm tạo sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực trên thị trường quốc tế, như: Lúa gạo, thịt, thủy sản, rau quả, mía đường, cà phê, chè, hạt điều, hồ tiêu, cao su, dừa, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thương hiệu của đặc sản vùng miền và thương hiệu mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển thông qua các hoạt động quảng bá, hội chợ, triển lãm,...

Bộ NN&PTNT cũng đang tích cực thúc đẩy các chính sách tích tụ ruộng đất, các cơ chế tạo quỹ đất công, đất sạch để phục vụ công tác thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất, tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng; phát triển hệ thống thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản...

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả, từ đó xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (bao nhiêu % sản phẩm sơ chế; % sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.

Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh; các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm; cách thức tạo dựng cũng như quảng bá thương hiệu…

Những hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và các câu chuyện về nông sản cũng được Bộ NN&PTNT phối hợp lan tỏa trong ngành ngoại giao và ngành văn hóa, du lịch. Sự kết hợp này kỳ vọng sẽ mang đến được những bản sắc cho các sản phẩm nông sản, cùng với sự quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của các doanh nghiệp nông sản Việt.

Bảo An