Đây là một sự kiện quan trọng, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành, cũng như đại diện từ các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế. Hội thảo không chỉ cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình hiện tại mà còn đưa ra những dự báo và định hướng cho sự phát triển của ngành trong tương lai.
Ông Nguyễn Quang, Phó Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam cho biết: "Ngành du lịch Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung đang dần hồi phục mạnh mẽ, vì thế ngành khách sạn cần có những thay đổi phù hợp để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Việc chủ động lựa chọn các hạng mục và đổi mới, sáng tạo nhằm nắm bắt cơ hội phát triển của ngành đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi khách sạn".
"Thông qua hội thảo, chúng tôi mong muốn được chia sẻ những điển hình tiên tiến của các khách sạn trong nước và quốc tế về các giải pháp cụ thể trong việc ứng dụng công nghệ AI vào vận hành khách sạn; giúp các khách sạn giảm nhân sự nhưng vẫn đảm bảo dịch vụ tốt hơn; nâng cao sự hài lòng của khách hàng và đặc biệt cải thiện doanh thu, góp phần tăng GOP, chia sẻ best practice về phát triển du lịch bền vững, về xây dựng môi trường làm việc tích cực…", ông Nguyễn Quang nhấn mạnh.
Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng trong việc cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng, tạo ra sự khác biệt trong ngành khách sạn hiện nay. Thông qua việc phân tích dữ liệu về sở thích, hành vi và lịch sử đặt phòng của khách hàng, AI có thể tạo ra những đề xuất cá nhân hóa về dịch vụ, tiện nghi, và thậm chí là những hoạt động du lịch phù hợp với từng cá nhân. Ví dụ, nếu một khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ spa khi lưu trú, hệ thống có thể tự động gửi thông tin về các gói spa ưu đãi hoặc đặt lịch trước cho khách. Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm của khách hàng mà còn tăng doanh thu cho khách sạn từ các dịch vụ bổ sung.
Bên cạnh ứng dụng công nghệ, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cá nhân hóa dịch vụ để tạo ra trải nghiệm độc đáo cho mỗi khách hàng. Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành lưu trú, các cơ sở cần nỗ lực hơn nữa trong việc hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
Một xu hướng đang nổi lên là dịch vụ "khách sạn boutique", nơi mà không gian lưu trú được thiết kế với phong cách riêng biệt và chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng được chú trọng. Các nhà quản lý buồng cần phải sáng tạo và đổi mới trong việc cung cấp dịch vụ để thu hút và giữ chân khách hàng.
Ông Lương Ngọc Khánh - nhà sáng lập kiêm Giám đốc công ty quản lý, vận hành các khách sạn 4 - 5 sao tại Việt Nam chia sẻ: "Các khách sạn nên đầu tư vào việc phát triển kỹ năng của nhân viên ở mọi cấp độ, từ nhân viên tiếp tân đến quản lý cấp cao. Cần phân chia lực lượng lao động với chương trình đào tạo chuyên biệt, chuyên sâu, chuẩn hóa và tính di động... Để đạt mục tiêu này, chúng tôi đã có chương trình đào tạo toàn diện, đó là yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ của một khách sạn".
Tại hội thảo, ông Trương Đình Đồng - quản lý khu nghỉ dưỡng có tiếng ở Việt Nam cho biết, đơn vị này đã và đang tạo ra những trải nghiệm độc đáo để giới thiệu tới khách hàng của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh du khách toàn cầu ngày càng quan tâm đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, resort này đã áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên khoa học để đo lường tác động và đặt ra mục tiêu cụ thể để đảm bảo sự phát triển bền vững...
Từ những nội dung được thảo luận tại hội thảo, ngành lưu trú du lịch tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Việc tập trung vào nâng cao kỹ năng chuyên môn, phát triển công nghệ và cung cấp trải nghiệm dịch vụ tốt hơn chính là những yếu tố quyết định giúp các cơ sở lưu trú thành công trong bối cảnh hiện đại.
PV