Xu hướng sử dụng trà đặc sản trong pha chế

Xu hướng sử dụng trà đậm vị, trà đặc sản, không tẩm ướp hương lại đang thu hút giới trẻ - tệp khách hàng lớn trong của ngành F&B. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành đồ uống nói chung và ngành trà nói riêng, theo ông Hoàng Vĩnh Long – chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam.

Những năm gần đây người tiêu dùng đã quen thuộc với khẩu hiệu (slogan) “chúng tôi bán trà ô long đặc sản Đà Lạt” của chuỗi trà sữa - cà phê Phê La, hay slogan “trà ngon đậm vị” của La Si Mi. Chưa kể, thị trường còn chứng kiến sự nở rộ của La Boong, Ô Long đây, Katinat,… Những chuỗi này cùng chung một ý tưởng là phát triển trà đặc sản Bảo Lộc, Thái Nguyên, Mộc Châu… thành nguyên liệu chính để pha chế, tạo ra loại trà sữa đậm vị, nguyên bản và “thật Việt Nam”.

Xu hướng sử dụng trà đặc sản trong pha chế - Ảnh 1

Năm 2023, bà Nguyễn Hạnh Hoa, Nhà sáng lập chuỗi Phê La từng nói, slogan của Phê La chính là lời khẳng định về thị trường ngách mà chuỗi này nhắm tới. Theo đó, Phê La không đi theo lối mòn của thị trường trà sữa với vị béo ngậy, thoảng mùi trà, mà đánh mạnh vào phân khúc trà đậm vị (trà sữa nhưng đậm vị trà), nguyên bản và tận dụng nông sản Việt Nam như trầu không, phong lan, gạo rang để làm trân châu uống kèm...

Tương tự, thương hiệu La Si Mi, cũng định hình ở phân khúc trà đậm vị. Những thức uống tạo ra tên tuổi La Si Mi đều là các sản phẩm trà ô long từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) bao gồm trà ô long sữa trân châu, trà ô long sen vàng kem phô mai, trà ô long đào cam sả và trà ô long cam vàng.

Hay như ông Vũ Việt Anh, Nhà sáng lập chuỗi trà sữa La Boong (thuộc Công ty TNHH La Boong Việt Nam) cũng nhìn nhận, bất chấp thị trường F&B đang diễn ra cuộc “đại thanh lọc” trong 6 tháng đầu năm, thì La Boong vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 30%/năm.

"Ở La Boong, chúng tôi sử dụng trà ô long làm nguyên liệu chủ đạo để pha chế trà sữa, với giá bán bình dân dao động từ 25.000 – 50.000 đồng, đã giúp chuỗi bán ra khoảng 15.000 ly mỗi ngày trên toàn hệ thống (hơn 120 cửa hàng)"- ông Anh chia sẻ.

Người mở đường xu hướng trà đậm vị thực ra đã có thâm niên từ gần 20 năm trước, chính là Phúc Long. Vị trà đậm đến mức khiến nhiều người "say" của Phúc Long từng được coi là đặc sản đất Sài Thành, nhưng lại "lệch nhịp" với thị trường trà sữa thập niên 2010. Tới khoảng năm 2022, thương hiệu trà nức tiếng nhất Sài Thành cuối cùng cũng lọt vào "mắt xanh" của đế chế thực phẩm Masan. Trong khi 280 triệu USD là số tiền mà tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã bỏ ra để sở hữu 85% cổ phần của Phúc Long, và đây trở thành thương vụ M&A quy mô nổi bật nhất thị trường F&B trong nước.

Đánh giá về thị trường đồ uống, ông Hoàng Vĩnh Long – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, trong khi các đơn vị kinh doanh trà sữa ngoại nhập đang dần chững lại, thì thị trường trà sữa đậm vị, trà sữa ít béo pha máy, hay trà trái cây tươi… "made in Vietnam" lại đang nổi lên như một sự lựa chọn mới, phù hợp với tiến trình phát triển của ngành F&B. Cùng với đó, các doanh nghiệp ngành trà Việt cũng đang đứng trước nhiều cơ hội mới về thị trường, khi đi sâu vào lĩnh vực F&B, thay vì chỉ xuất khẩu như trước. Xu hướng sử dụng trà đậm vị, trà đặc sản, không tẩm ướp hương lại đang thu hút giới trẻ - tệp khách hàng lớn trong của ngành F&B. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành đồ uống nói chung và ngành trà nói riêng.

Theo thời gian, thị trường đồ uống ngày càng mở rộng hơn, các bạn trẻ cũng có cơ hội thưởng thức nhiều loại hơn, thì những đánh giá cũng càng… khắt khe hơn. Có lẽ bởi vậy mà càng ngày, giới trẻ càng có xu hướng lựa chọn những ly trà sữa “chất lượng”: Phải đậm vị, thơm hương. 

Thay vì bị thu hút bởi những ly trà sữa có mùi thơm và vị ngọt đậm của sữa, hay những ly trà sữa ngập tràn sắc màu bởi các loại topping đa dạng, bây giờ người trẻ lại hướng đến lựa chọn những ly trà sữa được chế biến từ những loại trà ngon, thơm.

Đây cũng được xem như một xu thế tất yếu đối với các bạn trẻ, nhất là thế hệ GenZ, những người có xu hướng muốn tìm kiếm những món ngon thật sự chất lượng. Sinh ra và sống ở thời điểm kinh tế phát triển, hàng hoá phong phú, lựa chọn mua sắm đa dạng, thế nên nhu cầu về một sản phẩm của họ cũng cao hơn. Thay vì chỉ chạy theo những món hot trend “sớm nở tối tàn” trên mạng xã hội, đại bộ phận giới trẻ ngày nay lại chú trọng hơn tới hương vị của món ăn, đồ uống. Thế nên, những món hot trend độc lạ thường chỉ là “nhất thời” bởi ai cũng chỉ “thử một lần cho biết”. Trong khi đó, GenZ lại lựa chọn gắn bó lâu dài với những thức uống chất lượng thực sự, mang đến hương vị thơm ngon, và tạo được dấu ấn riêng biệt.

Tưởng chừng như gu “thưởng trà” của các bạn trẻ đang “già hoá”, thế nhưng thật ra nó lại chính là biểu hiện của sự “sành sỏi” hơn, chọn lọc hơn, kỹ lưỡng hơn khi thưởng thức một món đồ uống. Và xu hướng “thưởng trà” này đã và đang “dịch chuyển” ngày càng rõ ràng trong ngành đồ uống.

Thông tin từ Hiệp hội Chè Việt Nam cho thấy, sản phẩm trà tiêu dùng nội địa hiện nay chủ yếu là trà xanh và các sản phẩm sản xuất từ trà Shan tuyết rừng. Mức tiêu dùng trà trong nước tăng dần từ 40.000 tấn vào năm 2018 lên khoảng 50.000 tấn năm 2023. Giá bán các sản phẩm trà trong nước cũng đang cao hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu, bình quân khoảng 200.000 đồng/kg vào năm 2023. "Thị trường nội địa đã và đang mang lại thu nhập cao cho người làm trà, nhất là các loại trà chất lượng cao" - Hiệp hội Chè Việt Nam nhận xét.