Xuất khẩu cà phê thu gần 1 tỷ đô

Xuất khẩu cà phê tiếp tục đạt kết quả tích cực với kim ngạch đạt 911 triệu USD, tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2024.

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (1-15/2), cả nước xuất khẩu 56.279 tấn cà phê, kim ngạch đạt 184,36 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/2, lượng cà phê xuất khẩu đạt 294.545 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 16,7% nhưng kim ngạch tăng tới 66,85%. Như vậy, trị giá bình quân mỗi tấn cà phê xuất khẩu đầu năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trị giá xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến 15/2 đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng tới gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng hơn 900 USD/tấn).

 Xuất khẩu cà phê thu gần 1 tỷ đô - Ảnh 1

Các thị trường xuất khẩu cà phê chủ yếu của Việt Nam là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Indonesia... Trong đó, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với 87.748 tấn, kim ngạch 263,2 triệu USD (cập nhật theo thị trường của Tổng cục Hải quan hết tháng 1/2024). Trong khối EU, các thị trường chủ lực như: Đức đạt 26.976 tấn; Italy đạt 22.915 tấn; Tây Ban Nha đạt 16.046 tấn...

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo, năm 2024 tiếp tục có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu cà phê. VICOFA nhận định, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể đạt từ 4,5 - 5 tỷ USD. Nếu về địch được con số dự kiến này, đây sẽ là năm đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu cả phê.

Trước đó, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,62 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 4,24 tỷ USD, dù giảm 8,7% về lượng nhưng tăng 4,6% về kim ngạch so với năm 2022.

Lãnh đạo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam xác nhận, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Trong năm qua, các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu gần hết lượng hàng tồn kho. Các doanh nghiệp trong nước liên tục tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam, bởi cà phê Việt Nam đang trở thành lựa chọn hàng đầu ở phân khúc Robusta.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù diện tích trồng lớn, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê thu được cao, nhưng giá trị thu về chưa như mong muốn do tỷ lệ cà phê chế biến sâu còn thấp, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô. Tính chung trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, xuất khẩu cà phê chế biến tăng trưởng bình quân hơn 15%/năm.

Theo ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, tỷ lệ cà phê chế biến sâu xuất khẩu rất thấp, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô cho đối tác nước ngoài.

Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, mặc dù có gần 100 nghìn ha cà phê nhưng địa phương vẫn chỉ tập trung vào sản lượng xuất khẩu thô là chủ yếu. Theo ông Có, một trong những nguyên nhân cà phê chỉ xuất khẩu thô được do số lượng nhà máy chế biến còn quá ít và nhỏ lẻ (cả tỉnh có khoảng 80 nhà máy và cơ sở chế biến) nên tỷ lệ cà phê qua chế biến chỉ khoảng 5% - 6%, còn lại là xuất thô. Còn tại tỉnh Đắk Nông với gần 140.000ha cà phê cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, làm ra nhiều mà xuất khẩu thô là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp Việt, nhất là người trồng cà phê. Thiệt thòi trước hết là giá bán thấp, không đạt lợi nhuận như mong đợi. Ví dụ, nếu xuất khẩu thô (cà phê nhân) thì giá bán chỉ được khoảng 2.400 USD/tấn, trong khi giá bán 1 tấn cà phê chế biến trung bình lên tới 3.600 USD; chưa kể chi phí vận chuyển cà phê nhân cao hơn.

Mặc dù giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu là xuất thô nên giá trị thu được còn rất thấp, trong đó cà phê là một trong những sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng lại chủ yếu xuất khẩu thô. Do đó, cần phải đầu tư và ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch để nâng tầm giá trị sản phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong năm nay, khi mặt hàng này còn nhiều dư địa để duy trì mức giá cao. Cụ thể, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng cho đến khoảng hết nửa đầu năm 2024 do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên Biển Đỏ; giá cà phê Arabica cũng chưa thể giảm do tồn kho đạt chuẩn vẫn đang rất thấp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.

Theo đó, để nâng cao chất lượng và giá cà phê xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm cà phê Việt trên thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới. Nhiệm vụ chính của đề án là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn của quốc tế và đặc biệt hướng đến cà phê giảm phát thải.

Hương Trà

Từ khóa: