Xuất khẩu chè 8 tháng tăng về lượng nhưng vẫn giảm về giá trị

Các thị trường lớn giảm nhập cùng với sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), ngành chè tháng 8/2020 vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu dương.

Khối lượng xuất khẩu chè 8 tháng đầu năm 2020 đạt 84.000 tấn với giá trị 134 triệu USD. Con số này tăng 3,5% về khối lượng nhưng giảm 6,2% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết khối lượng xuất khẩu chè tháng 8 năm 2020 ước đạt 13.000 tấn với giá trị đạt 21 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 8 tháng đầu năm 2020 đạt 84.000 tấn và 134 triệu USD, tăng 3,5% về khối lượng nhưng giảm 6,2% về giá trị so với cùng kì năm 2019. 

Trong 8 tháng đầu năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, xuất khẩu chè sang nhiều thị trường giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đại dịch đã ảnh hưởng mạnh đến nhập khẩu chè của Trung Quốc, làm suy giảm đáng kể cả về khối lượng và giá trị. 

Xuất khẩu chè 8 tháng tăng về lượng nhưng vẫn giảm về giá trị - Ảnh 1

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 17.000 tấn chè, với giá trị đạt 71,6 triệu USD, giảm 7,3% về khối lượng và giảm 20,8% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Trong đó, xuất khẩu chè trong nửa đầu năm 2020 từ Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm khoảng 13,2% về khối lượng và 54,2% về giá trị so với nửa đầu năm 2019.

Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tại thị trường trong nước, giá chè nguyên liệu trong tháng 8/2020 không có biến động. Tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng giữ giá ở mức 190.000 đồng/kg, chè xanh búp khô 90.000 đồng/kg, chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) 120.000 đồng/kg. 

Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè cành tăng nhẹ 300 đồng/kg lên 9.800 đồng/kg, chè hạt ổn định mức 7.500 đồng/kg.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè (sau Kenya, Sri Lanka, Trung Quốc, Ấn Độ), nhưng so với các nước trong khu vực, chè Việt Nam hiện nay đang có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới, thị trường lại chưa ổn định.

Nguyên nhân chính được các chuyên gia cho rằng do mất an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt, việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh cho chè ở nhiều nơi còn khá tuỳ tiện, không đảm bảo thời gian cách ly… còn phổ biến ở nhiều vùng chè.

Bộ Công Thương cho rằng, để phát triển chè bền vững, Nhà nước, doanh nghiệp cần quan tâm đến khoa học, công nghệ. Các cơ sở chế biến chè phải tạo được vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài. 

Đặc biệt là doanh nghiệp phải tự tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung thay thế việc sử dụng bảo vệ thực vật của các hộ nhận khoán và hộ nông dân trồng chè mới hy vọng kiểm soát được việc bảo vệ thực vật, tồn dư của các hoạt chất độc hại trong thuốc trên sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng chè.

Trong định hướng quy hoạch sản xuất chè an toàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sản xuất, chế biến chè phải gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn. 

Hồng Anh 

Từ khóa: