Xuất khẩu chè tăng trưởng 2 con số
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu chè của Việt Nam tháng 6/2024 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 32 triệu USD, tăng 58% về lượng và tăng 106,9% về trị giá so với tháng 5/2024; tăng 54,9% về lượng và tăng 86,4% về trị giá so với tháng 6/2023. Giá bình quân xuất khẩu chè tháng 6/2024 ước đạt 2.127,8 USD/tấn, tăng 20,3% so với tháng 6/2023.
Theo thống kê, tính chung nửa đầu năm 2024, xuất khẩu chè ước đạt 61 nghìn tấn, trị giá 108 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 32,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu chè ước đạt 1.759,9 USD/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu 2 chủng loại chè chính tăng trưởng tích cực. Trong đó, dẫn đầu là chè xanh đạt 23,5 nghìn tấn, trị giá 44,6 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và tăng 43,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là chè đen đạt 20,7 nghìn tấn, trị giá 26,6 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu cả 2 chủng loại chè chính đều có xu hướng giảm nhẹ.
Ngược lại, xuất khẩu chè ướp hoa giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2024, đạt 741 tấn, trị giá 1,5 triệu USD, giảm 31,3% về lượng và giảm 31,4% về trị giá; xuất khẩu chè ô long đạt 319 tấn, trị giá 1,1 triệu USD, giảm 22,6% về lượng nhưng tăng 8,7% về trị giá. Về giá bình quân xuất khẩu, chủng loại chè ướp hoa đạt 1.985,9 USD/tấn, giảm 0,1%; trong khi giá chè ô long đạt 3.530,7 USD/tấn, tăng 40,4%...
Tiềm năng khai thác thị trường lớn
Tại Việt Nam, cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước, tiếp đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7% và khu vực đồng bằng Bắc Bộ 4%. Một số địa phương có diện tích chè lớn phải kể đến Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Lâm Đồng,…
Theo thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc về sản lượng và xuất khẩu chè xanh.
Trong khi đó, chè Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang các thị trường. Theo tạp chí Hải Quan, do điều kiện khí hậu, EU không sản xuất chè, hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu sản phẩm này từ các nước khác, do đó EU là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên toàn cầu.
Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu cho thấy, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu chè của EU đạt 826 triệu USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó trị giá nhập khẩu chè của EU từ Việt Nam chỉ chiếm 0,22% tổng trị giá nhập khẩu.
Tiềm năng xuất khẩu chè tới thị trường EU được cho là rất khả quan, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi. Theo đó, chè là một trong những mặt hàng được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho ngành chè của Việt Nam.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu phân tích: xuất khẩu chè sang EU vẫn chưa được như kỳ vọng, do các biện pháp phi thuế quan như biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với các mặt hàng nông sản, trong đó có chè. Do đó để tận dụng hiệu quả lợi thế về thuế quan từ Hiệp định EVFTA, đồng thời vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường này, ngành chè cần tiếp tục thay đổi các phương thức sản xuất, trồng và thu hoạch theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.
Đối với thị trường Pakistan, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội chè Pakistan, trong 11 tháng năm 2023, Pakistan nhập khẩu chè vào thị trường này đạt 507 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình kinh tế của Pakistan đối mặt với nhiều khó khăn, khiến nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm.
Trong cơ cấu thị trường cung cấp, trị giá nhập khẩu của Pakistan từ Việt Nam chỉ chiếm 1,23% tổng trị giá nhập khẩu, vẫn còn rất thấp so với nhu cầu của thị trường, vì vậy cơ hội để tăng thị phần vẫn còn để ngỏ.
Ngoài ra, theo Cục Xuất nhập khẩu các thị trường nhập khẩu chè như: Hoa Kỳ, Anh và Hong Kong (Trung Quốc) cũng rất tiềm năng để các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam mở rộng thị phần.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè cần đầu tư sâu hơn nữa vào phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chè, đặc biệt là quan tâm sát sao đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu và cập nhật quy định của Hoa Kỳ, đặc biệt các quy định có ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường như quy định về phòng vệ thương mại, vệ sinh phòng dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hoặc các quy định liên quan đến tiêu chuẩn sử dụng lao động...
Với thị trường Anh, đây vốn là thị trường có những tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng hoá nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng nông sản. Đối với mặt hàng chè, Anh luôn quan tâm đến tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững. Trong đó, nông sản nhập khẩu chỉ được phép thông quan nếu có mức dư lượng hoá chất dưới ngưỡng tối đa cho phép.
Do đó, để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, cần nâng cao nhận thức đối với người sản xuất trong việc hạn chế sử dụng phân bón và hoá chất, quy trình canh tác phải thể hiện trách nhiệm với xã hội, người tiêu dùng.
Để xuất khẩu chè vào thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo doanh nghiệp cần lưu ý, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm tại thị trường này rất cao, hệ thống cảnh báo nhanh, công tác hậu kiểm và quy định về nhãn mác nghiêm ngặt. Do đó, doanh nghiệp phải rất cẩn trọng trong quy trình sản xuất, chế biến và áp dụng công nghệ cao trong bảo quản sản phẩm.