Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN&PTNT), với tổng sản lượng nhập khẩu chiếm từ 70-80% thị phần, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên,có tới 60-70% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch, khiến giá trị nông sản xuất khẩu thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững.
Thực tế, Trung Quốc hiện không còn là thị trường “dễ tính” và quốc gia này đang siết chặt thương mại tiểu ngạch với Việt Nam, hướng sang chính ngạch. Theo các chuyên gia, hướng xuất khẩu chính ngạch là đòi hỏi tất yếu. Nông dân cũng như các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải thay đổi, nếu muốn phát triển bềnvững, không chỉ với thị trường Trung Quốc mà với các thị trường quốc tế.
Với trái cây, thanh long là loại trái cây hiếm hoi của Việt Nam có mặt tại các cửa hàng, chợ đầu mối TP Bắc Kinh bằng nhập khẩu chính ngạch. Song gần đây, thanh long Việt cũng không còn vị trí độc tôn tại Trung Quốc. Không chỉ cạnh tranh với các nước ASEAN mà trái cây Việt còn cạnh tranh khốc liệt với trái cây nhiệt đới của bản địa. Là nước xuất khẩu hàng đầu khối ASEAN vào Trung Quốc nhưng đa phần trái cây Việt chỉ quanh quẩn các tỉnh thành giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc bằng con đường xuất khẩu biên mậu. Do đó, trái cây Việt chịu cảnh lép vế tại các thành thị vì khó vào các siêu thị.
Xu hướng giảm buôn bán biên mậu tiểu ngạch, nâng cao nhập khẩu hàng chính ngạch đang được Trung Quốc đẩy mạnh. Theo ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho hay: "Việc nước nhập khẩu quản lý nông sản nhập khẩu ngày càng chặt chẽ hơn thể hiện qua việc thay đổi quy định quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm về việc đăng ký doanh nghiệp nước ngoài xuất vào Trung Quốc gọi tắt là Lệnh 248 - 249 có hiệu lực từ năm 2022". Lệnh 248, 249 được đặt ra đối với hàng nhập khẩu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, vùng trồng để hướng tới sản phẩm vào Trung Quốc đáp ứng tiêu chí an toàn và cao cấp.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2022, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ chịu những quy định mới. Tuy nhiên, trước khi những quy định mới chưa có hiệu lực thì việc thông quan nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn khi phía nước bạn tăng cường kiểm soát dịch bệnh và kiểm hóa 100% lô hàng trái cây. Vì thế, chuyển nhanh, chuyển mạnh sang chính ngạch càng là giải pháp duy nhất giúp nông sản không “tắc đường” khi xuất khẩu sang thị trường này.
Trung Quốc là một thị trường ngày càng khó tính nhưng từ Mỹ, châu Âu, Australia, Nam Mỹ đến hầu hết các nước ASEAN đều muốn vào. Năm 2021, Trung Quốc nhập đến 220 tỷ USD, tăng hơn 28% so với năm trước đó. Hầu hết các nước đều xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Việt Nam hiện có 9 loại trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, trong khi Thái Lan 22 loại. Các doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia còn nhanh nhạy hợp tác với các đại lý Trung Quốc mở gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như JD, taobao…
Việc các quốc gia này ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc khiến sức cạnh tranh hàng Việt tại thị trường này ngày càng gay gắt. Cùng áp lực trên thì phía nông dân Trung Quốc ngày càng canh tác nhiều các sản phẩm nông sản tương tự hàng Việt, buộc nước này ngày càng ra nhiều chính sách để bảo hộ nông sản của họ hơn.
Trước những thách thức và khó khăn trên thì với người dân, doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin về quy định mới của thị trường Trung Quốc để cùng thích ứng với "thị trường khổng lộ" này. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy "quá phụ thuộc vào một thị trường" sang tư duy "đa dạng thị trường".
Với những doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm, có sự am hiểu thị trường và tầm nhìn thì những thay đổi từ thị trường không mới và để đáp ứng được cũng không phải là việc khó khăn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp quen “ăn xổi”, quen giao thương theo đường tiểu ngạch, cứ khi nào có một chút hàng hóa lại kéo lên cửa khẩu phụ và thậm chí đưa hàng lên đó rồi mới tìm bạn hàng. Vì thế, nếu doanh nghiệp không sớm coi thị trường Trung Quốc giống như thị trường Nhật Bản hay EU và có cách tiếp cận, tầm nhìn cũng như cách xử lý khác thì rất dễ bị tụt lại phía sau. Không những vậy, nếu doanh nghiệp vẫn giữ kinh nghiệm, nhận thức và tiếp cận thị trường với một con mắt của 10-20 năm trước thì chắc chắn là sẽ để mất đi một thị trường cả thế giới thèm khát dù có vị trí địa lý gần gũi, nhu cầu hàng hóa ở mức khổng lồ.
Có thể thấy, xuất khẩu bằng chính ngạch sang Trung Quốc là lựa chọn tất yếu không thể khác. Con đường nông sản còn dài nhưng vẫn phải thay đổi để đi xa dù phía trước còn chồng chất những khó khăn.
Bảo Anh