Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hết quý I/2024, xuất khẩu gạo đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá.
Quý I/2024, gạo xuất khẩu tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo; thị trường Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch, Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% về kim ngạch.
Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như: gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica.
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, hay châu Phi, cũng đã mở rộng sang các thị trường “khó tính” như châu Âu, … với giá trị cao tuy khối lượng chưa lớn.
Bên cạnh đó, thương nhân cũng tận dụng tốt cơ hội trong những thách thức từ thị trường thương mại lương thực toàn cầu để trở thành nguồn cung thay thế ở nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, Canada, Chile.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Anh Sơn cho hay, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Cụ thể, chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia.
Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Phân tích thêm những yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới. ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay: "Tình trạng xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm trong tháng 4 và 5 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ Hè – Thu năm 2024".
Những bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, căng thẳng Biển Đỏ tiếp tục gây ảnh hưởng tới tâm lý giao thương, quá trình giao nhận, giá cả nhiều mặt hàng quan trọng (dầu, nguyên liệu sản xuất, lương thực…), khoảng 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.
Tuy các mặt hàng lúa mỳ và ngô là hai mặt hàng lương thực thuộc phân khúc tiêu dùng khác nhưng phần nào sẽ tác động đến giá gạo trong thời điểm nhất định.
Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu gạo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, khó lường bởi lạm phát và xung đột địa chính trị toàn cầu.
Do đó, cần theo dõi sát tình hình thời vụ và diễn biến thị trường thế giới để có kế hoạch sản xuất, thu mua, chế biến, cất trữ, bảo quản và xuất khẩu phù hợp, bảo đảm hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.
Đồng thời xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với vùng trồng, người sản xuất và giữa các thương nhân với nhau để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá.