Trong tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 22,8% so với tháng 3/2022.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 823 triệu USD, tăng 47,7% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 30% so với tháng 3/2022. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Đây là thực tế rất khó khăn đối với ngành gỗ. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023.
Lý giải nguyên nhân xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ suy giảm mạnh, Vifores cho rằng do sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
“Đây là thực tế rất khó khăn đối với ngành gỗ. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023. Do các nhà nhập khẩu tồn kho còn nhiều, chỉ mặt hàng nào tồn kho xuống thấp khách đặt mới và doanh nghiệp mới có được đơn hàng”, Chủ tịch Vifores Đỗ Xuân Lập nêu thực tế.
Thông tin thêm về cơ cấu thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Vifores cho hay đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ sang Hoa Kỳ giảm rất mạnh, do chỉ số nhu cầu nhà ở của Hoa Kỳ trong tháng 2/2023 đã giảm 48,1% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này giảm mạnh.
Đáng chú ý, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ trong năm 2023.
Trong khi đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với ngành gỗ, vì vậy xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh sẽ tác động trực tiếp tới kết quả xuất khẩu chung. Do đó, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ dự báo sẽ kém khả quan trong nửa đầu năm 2023.
Ngoài ra, quy định mới đối với gỗ nếu trồng trên đất phá rừng sau năm 2020 sẽ không được nhập khẩu vào EU theo một thỏa thuận mới đây, cũng sẽ là yếu tố cản trở đà tăng trưởng của ngành gỗ.
Thông tin về nhập khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tháng 3/2023 đạt 220 triệu USD, tăng 46,3% so với tháng 2/2023; tuy nhiên so với tháng 3/2022 lại giảm 7,6%.
Ngoài ra, số liệu của cơ quan Thống kê Châu Âu cho biết, năm 2022 Hà Lan chi 3,2 tỉ USD nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ, tăng 6% về trị giá so với năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 13 cho Hà Lan.
Do tác động của dịch COVID-19 cùng với ảnh hưởng cuộc xung đột Nga-Ukraine, chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng đẩy giá thành sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tăng cao.
Tỉ trọng nhập khẩu từ Việt Nam năm 2022 chỉ chiếm 1,8% trong tổng lượng đồ nội thất bằng gỗ Hà Lan nhập khẩu.
Về mặt hàng, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ là những mặt hàng chính Hà Lan nhập khẩu. Tuy nhiên, tỉ trọng và giá trị những mặt hàng này trong tổng nhập khẩu của Hà Lan vẫn còn thấp. Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh nên vẫn còn nhiều dư địa để các DN Việt khai thác trong thời gian tới.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực của Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, một tập đoàn nội thất lớn của Hà Lan là VidaXL đã sang Việt Nam khảo sát các tỉnh miền Trung để đầu tư chế biến sản phẩm gỗ nội thất và ngoại thất xuất khẩu.
Đây là những tín hiệu lạc quan khi các DN Hà Lan đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho việc mở rộng đầu tư trong thời gian tới.
Tiến Hoàng