Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 10,2%, nhập khẩu tăng 15,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2022 tăng 13,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 20,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,1%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong hai tháng qua, cả nước có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,4%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%, bằng cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,8%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,6%, giảm 1,6 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,2%, tăng 1,7 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,2%, giảm 0,1 điểm phần trăm.
Liên quan đến thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,8 tỷ USD.
Xuất siêu sang EU ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 566 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, nhập siêu 237 triệu USD).
Đối với xuất khẩu nông sản, theo dự báo của Bộ Công Thương, các mặt hàng chủ lực như: Cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU) và sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Trong đó, cà phê tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có. Về thị trường, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Bỉ tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chính, có tiềm năng tăng trưởng như những năm trước đây.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong năm 2022, Bộ tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước. Theo đó, cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà cần gắn xuất nhập khẩu với phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu bền vững. Đặc biệt, các chính sách đề ra giải pháp cho các vấn đề nóng, các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích của DN Việt Nam.
Mới đây, Bộ Công Thương cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu; trong đó, có khâu vận tải và giao nhận. Tại nhiều cảng biển, hàng hóa phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến chậm trễ trong việc giao hàng và từ đó là rủi ro cho khâu thanh toán, nhất là với những hợp đồng xuất khẩu chấp nhận hình thức thanh toán T/T (chuyển tiền sau khi giao hàng).
Xuất phát từ đây, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong khâu thanh toán khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài trong thời gian tới.
Các phương thức thanh toán an toàn như thư tín dụng không hủy ngang (Irrevocable Letter of Credit) nên được xem xét áp dụng để thay cho các phương thức kém an toàn hơn. Cùng với đó, uy tín cũng như khả năng thanh toán quốc tế của các ngân hàng thanh toán cũng cần được xem xét và cân nhắc một cách thấu đáo trước khi giao kết hợp đồng.
Vũ Nghi