Xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD trong tháng 1/2022

Trong tháng đầu tiên của năm 2022, hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc khi tăng trưởng dương và xuất siêu sang thị trường EU.

Theo Bộ Công Thương, tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong tháng đầu tiên của năm mới, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,5%; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 0,9%.

Về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1/2022, có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD. Trong đó chủ yếu là nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất, chiếm 93,7% tổng cơ cấu nhập khẩu.

Đối với thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD trong tháng 1/2022 - Ảnh 1

Riêng thị trường EU là khu vực duy nhất xuất siêu với 2,1 tỷ USD. Kết quả đạt được là do các DN đẩy mạnh tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Tiếp theo là các thị trường như Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản. 

Theo nhiều chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả tích cực như vậy, nhưng trước hết là giá bán tăng và thêm nhiều hợp đồng được ký kết, nhiều chuyến hàng được giao nhận. Ngay trong những ngày đầu xuân năm mới, trong khi nhiều lĩnh vực, ngành nghề có kỳ nghỉ Tết kéo dài đến 9 ngày, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lại cấp tập sản xuất để kịp các đơn hàng, từ sản xuất đồ khô, đến thuỷ sản hay đồ gỗ đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Mọi hoạt động đều diễn ra bình thường, xuyên Tết để những chuyến hàng kịp thời rời nhà máy lên đường xuất khẩu… là xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp nên lưu lượng hàng hoá qua các cảng biển trên cả nước tăng mạnh

Bên cạnh đó, tình hình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong 2 năm gần đây đạt kết quả tích cực. Nguyên nhân ngoài việc thị trường nước ngoài phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, còn là việc thực thi khá hiệu quả các FTA, đặc biệt FTA thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, UKVFTA.

Cụ thể, với EU, ngay từ năm đầu tiên thực thi EVFTA đã thu những kết quả tích cực. Đặc biệt, năm 2020, thị trường EU đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng trong 5 tháng đầu tiên thực hiện EVFTA (tháng 8-12/2020) có mức tăng trưởng dương, thay vì tăng trưởng âm trước đó, đạt 3,8%. 7 tháng tiếp theo đạt mức tăng trưởng 17,8%. Đầu năm 2022, xuất khẩu sang EU tiếp tục duy trì tăng trưởng. Đó là những hiệu quả bước đầu mà EVFTA mang lại.

Trong năm 2022, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các DN tận dụng cơ hội từ các cam kết quốc tế; thông tin cho DN về những cơ hội thị trường, phương hướng chung là hỗ trợ cho DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh, đủ sức hội nhập với khu vực và thế giới.

Đặc biệt, phối hợp để thúc đẩy hoạt động sản xuất theo tín hiệu của thị trường, sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, quy định để xuất khẩu vào các thị trường lớn, thị trường đối tác FTA.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU) và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022.

Bảo An (t/h)