Xuất khẩu lao động đang từng bước phục hồi

Trong hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, thị trường xuất khẩu lao động gần như đóng băng, nhiều người dù đã hoàn thiện các thủ tục nhưng không thể xuất cảnh. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến 15/6/2022, tổng số lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động đạt 51.677 người (cao hơn số đi trong 10 tháng đầu năm 2021) cho thấy thị trường này đang từng bước được phục hồi và mục tiêu đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay được cho là khả thi.

Xuất khẩu lao động đang từng bước phục hồi - Ảnh 1

Theo thống kê, năm 2007, nguồn thu này đạt 1,6 tỷ USD, cho đến giai đoạn những năm trước khi Covid-19 xảy ra đã đạt mức 3 - 4 tỷ USD/năm, chiếm khoảng trên dưới 20% tổng lượng kiều hối về Việt Nam. Ngoài giải quyết việc làm cho người lao động, xuất khẩu lao động đem về Việt Nam một lượng ngoại tệ hàng năm không nhỏ. 

Nguồn thu nhập cao từ hoạt động XKLĐ của người lao động đã góp phần cải thiện đời sống gia đình và thân nhân họ, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả. Nhiều lao động sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội. Vì vậy, XKLĐ đang được coi là một trong những ngành kinh tế đối ngoại mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế - xã hội,

Bên cạnh đó, còn giúp người lao động có cơ hội tiếp cận với máy móc, thiết bị, công nghiệp hiện đại, cơ chế quản lý tiên tiến, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ tay nghề.

Tuy nhiên, khi Covid-19 xảy ra, do các thị trường nhập khẩu lao động ngừng việc tiếp nhận. Các nước châu Âu ngừng trong năm 2020. Hàn Quốc ngừng đến tháng 4/2021. Đài Loan (Trung Quốc) ngừng từ tháng 1/2021 đến trước 15/2/2022. Nhật Bản ngừng từ cuối tháng 1/2021 đến tháng 3/2022… Tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài 10 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 43.000 người.

Tính từ đầu năm đến 15/6/2022, tổng số lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động đạt 51.677 người (cao hơn số đi trong 10 tháng đầu năm 2021) đến các thị trường chủ yếu: Nhật Bản 32.053, Đài Loan 15.633, Hàn Quốc 1.209, Singapore 853, Trung Quốc 424, Hungary 273, Ba Lan 196, Nga 158. Kỳ vọng năm 2022 sẽ vượt mục tiêu đề ra và dần dần hồi phục trở lại với số lượng trước đại dịch.

Về mặt Nhà nước, năm 2022 đã có nhiều hoạt động tích cực, đàm phán hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và một số quốc gia, cụ thể như: ngày 20/3 làm việc với Australia để tiếp nhận 1.000 lao động Việt Nam/năm trong lĩnh vực nông nghiệp; ngày 21/3 làm việc với Malaysia; ngày 20/6 làm việc với Nhật Bản bổ sung để mở rộng đối tượng và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh Việt Nam; thí điểm đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc; tuyển chọn điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại CHLB Đức…

Về phía các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và người lao động đã rà soát để khắc phục các hạn chế, các vi phạm luật và các văn bản pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Cần kiểm tra, rà soát toàn diện, cụ thể hoạt động xuất khẩu lao động, từ địa phương đến doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động có giải pháp xử lý những vi phạm. Các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý quá trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động ở nước ngoài, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lao động cũng như đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài. Hạn chế, khắc phục các vi phạm hợp đồng. Tuyên truyền, giáo dục cho người lao động đi xuất khẩu thấy được các lợi ích lúc đi XKLĐ và sau khi về nước.

Sau khi các thị trường tiếp nhận người lao động Việt Nam mở cửa trở lại (châu Âu năm 2021), Hàn Quốc (5/2021), Đài Loan (2/2022), Nhật Bản (3/2022) và một số thị trường khác cũng đã có chính sách tiếp nhận trở lại với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua, mục tiêu được đề ra cho năm 2022 là 90.000 lao động Việt Nam đi xuất khẩu.

Tiến Hoàng

Từ khóa: