Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm tăng dù dịch COVID-19 phức tạp

Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 32,07 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt khoảng 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 4/2021, thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản. Toàn ngành tích cực hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ sản phẩm trong nước và mở cửa thị trường.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt 32,07 tỉ USD, xuất khẩu đạt khoảng 17,15 tỉ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 14,93 tỉ USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất siêu 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh tới 41,1%, đạt khoảng 2,2 tỉ USD.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm tăng dù dịch COVID-19 phức tạp - Ảnh 1

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), trong tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,45 tỉ USD, tăng 29,1% so với tháng 4/2020, trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,53 tỉ USD, lâm sản chính ước đạt 1,29 tỉ USD, thủy sản đạt 650 triệu USD và chăn nuôi đạt 36 triệu USD…

Tính chung 4 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 17,15 tỉ USD, tăng 24,2% so với 4 tháng của năm 2020 (xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 5,9 tỉ USD, tăng 9%; lâm sản chính đạt 5,33 tỉ USD, tăng 50,9%; thủy sản ước đạt 2,39 tỉ USD, tăng 6,1%; chăn nuôi ước đạt 125 triệu USD, tăng 37,4%).

Từ đầu năm đến nay, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cao su tăng gần 112%, chè gần 8%, gạo 1,2%, nhóm hàng rau quả 9,5%, sắn và sản phẩm từ sắn gần 24%, sản phẩm chăn nuôi 37,4%, cá tra gần 3%, tôm 5,5%, sản phẩm gỗ tăng 71,4%; mây, tre, cói thảm tăng 65,9% và quế tăng 28,1%...

Trong số trên, các sản phẩm như cao su, chè, sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu; 2 mặt hàng dù giảm khối lượng nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên vẫn tăng giá trị như: gạo, hạt tiêu. Các sản phẩm khác tăng giá trị xuất khẩu chủ yếu do tăng khối lượng xuất khẩu.

Có 2 mặt hàng xuất khẩu tăng giá trị nên dù giảm số lượng, vẫn đạt kim ngạch cao là gạo: Giảm 10,8% khối lượng nhưng tăng 1,2% giá trị; hạt tiêu: Giảm 21,3% nhưng tăng 10,3% về giá trị.

Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như: cà phê tăng 17,6% khối lượng nhưng giảm 11,6% giá trị; hạt điều tăng 8,6% khối lượng, giảm 7,8% giá trị.

Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 46,9% thị phần; châu Mỹ 27,6%, châu Âu 10%; châu Đại Dương 1,4% và châu Phi 1,4%. Trong số đó, 4 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này đều có sự tăng khá, đặc biệt là Mỹ tăng 58%, Trung Quốc tăng gần 36%...

Trong bối cảnh và yêu cầu mới, cũng như trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” với nỗ lực, quyết tâm cao hơn hoàn thành tốt Kế hoạch phát triển ngành năm 2021. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong các Nghị quyết của Chính phủ như: số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP và các nghị quyết chuyên đề.

Đẩy mạnh hoạt động động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội thảo trao đổi các quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA); hội thảo trao đổi phổ biến thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam-Trung Quốc; xây dựng, in ấn sổ tay phổ biến, hướng dẫn các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tại các thị trường trọng điểm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ minh bạch hóa trong lĩnh vực SPS (vệ sinh và kiểm dịch động thực vật) đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng như kịp thời chuyển cho các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản các dự thảo quy định SPS mới của các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam.

Với thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Các đơn vị theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ.

Hồng Anh 

Từ khóa: