Dù xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc - thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam - gặp nhiều khó khăn nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm vẫn đạt được kết quả tích cực. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 14,2 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kì năm trước; nhập khẩu ước trên 6,2 tỷ USD, tăng 10,0%; xuất siêu gần 1,8 tỷ USD, tăng 86,7% so với cùng kì năm trước.
Tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 21,8% so với tháng 2/2021 nhưng giảm 31,4% so với tháng 1/2022. Lũy kế 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 8,0 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kì năm trước.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%; sản phẩm chăn nuôi đạt 54,1 triệu USD, giảm 3,5%; thủy sản đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 47,2%; lâm sản chính đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 17,0%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 367 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kì năm trước. Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng mạnh gồm cà phê, cao su, gạo, hồ tiêu, thịt, phụ phẩm thịt, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, mây tre, cói…
Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 39,5% thị phần), châu Mỹ (30,8%), châu Âu (13,9%), châu Đại Dương (1,9%), châu Phi (1,3%).
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 1,3 tỉ USD với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm tới 33,3% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Như vậy có sự thay đổi về thứ hạng mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc, từ nhiều năm nay rau quả luôn là mặt hàng chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn nhất tại thị trường Trung Quốc.
Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 586 triệu USD (chiếm 7,3%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,8% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản).
Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 376 triệu USD (chiếm 4,7%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 51,6% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản).
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản 2 tháng ước trên 6,2 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 470,2 triệu USD, giảm 14,3%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 332,8 triệu USD, tăng 11,1%; nhóm lâm sản chính khoảng 466,4 triệu USD, giảm 3,1%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 982,6 triệu USD, tăng 2,8%.
Đứng đầu là thị trường Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt 607 triệu USD, chiếm 9,7% thị phần (trong đó mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 29,1% giá trị); tiếp theo là Argentina đạt khoảng 564 triệu USD, chiếm 9,0% (mặt hàng ngô chiếm 61,6%).
Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Úc, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Czech… Đồng thời tổ chức Tuần lễ nông sản Việt Nam tại EXPO 2022 Dubai và làm việc với một số đối tác song phương với Ấn Độ, Argentina, UAE.
Hội đàm với đoàn phó chủ tịch điều hành EU nhằm thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực biến đổi khí hậu trong khuôn khổ triển khai kết quả Hội nghị COP26 và chống khai thác IUU, đề xuất các giải pháp và kiến nghị EU gỡ bỏ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam.
Với kết quả tích cực này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt và có khả năng vượt 50 tỷ USD. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, xuất khẩu của ngành có nhiều cơ hội giữ được đà tăng trưởng cao, kim ngạch có thể tăng thêm 2,5 – 3 tỷ USD (tăng trưởng 5-6%) so với năm 2021.
Tuy nhiên, tư lệnh ngành nông nghiệp lưu ý, chúng ta không thể đánh cược trên sự may rủi thị trường mà phấn đấu để làm chủ được thị trường ở chừng mực nào đó. Khi đã mở cửa được thị trường thì phải thực hiện hành động kép là xây dựng và chuẩn hóa vùng nguyên liệu.
Bảo An