Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã rất nỗ lực trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh ở điều kiện còn nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu cơ bản giữ được đà tăng và sau 6 tháng ước đạt 164,45 tỷ USD, đã phục hồi 87,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Có thể thấy rõ, xuất khẩu rau quả và gạo là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm khi đạt mức tăng hai con số. Trong đó, xuất khẩu gạo ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng, tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và nền kinh tế, đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn giá thóc, gạo trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và lợi ích người nông dân. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,75 tỷ USD tăng 64,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng, có tới 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ), chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD, chiếm 26,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, chiếm 15,6%; thị trường EU đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 13,1%; thị trường ASEAN đạt 16,3 tỷ USD, chiếm 9,9%; Nhật Bản đạt 11 tỷ USD, chiếm 6,7%; Hàn Quốc đạt 10,9 tỷ USD, chiếm 6,6%. Nổi bật, một số thị trường xuất khẩu phục hồi khả quan về gần mức cùng kỳ năm trước như Ấn Độ (95,7%), Nhật Bản (96,7%), Trung Quốc (97,8%). Một số thị trường mới ghi nhận tăng trưởng cao như Arhentina (tăng 35% so với cùng kỳ), Arập Xê-ut (tăng 67%), Angeri (tăng 91%).
Theo báo cáo của Tradingeconomics cập nhật đến tháng 4/2023 cho 16 nền kinh tế lớn trên thế giới, có đến 13/16 quốc gia (chiếm 81,3%) có tốc độ sụt giảm xuất khẩu; 12/16 quốc gia (chiếm 75%) cũng có tốc độ sụt giảm nhập khẩu trong tháng 4.
Do vậy, kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Đồng thời cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc là thị trường có thương mại 2 chiều lớn nhất với Việt Nam đã thật sự mở cửa nền kinh tế cũng sẽ là yếu tố tích cực cho xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, đặc biệt là đối với những nhóm hàng nông lâm thuỷ sản.
Bên cạnh những điểm sáng hiếm hoi đó, nhìn chung, xuất khẩu vẫn đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước, như: XK sang thị trường Hoa Kỳ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%...
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: hàng dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...
Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp như hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội XK từ các Hiệp định. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Mở rộng thị trường XK cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử. Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài. Năm 2023, dù còn nhiều khó khăn, ngành Công Thương phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê- Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần tiếp tục tận dụng tốt các FTA, đặc biệt là các FTA đã ký kết và nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường và ngành hàng truyền thống, cụ thể các thị trường Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh... Đồng thời, theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… có ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp có các phản ứng kịp thời.
Hoài Anh