Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá trị xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 2 đạt 324 triệu USD, tăng 53% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 565 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh thì rau quả lại ngược dòng, tăng trưởng tích cực trong 2 tháng đầu năm, trong đó, thị trường Trung Quốc là động lực cho rau quả Việt Nam.
Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc đạt 320,5 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 57% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. Việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Zero COVID” đã giúp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường này lấy lại đà tăng trưởng.
Ngày 23/2, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc, nâng tổng số lên 343 mã vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng. Việc nhiều mã vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp “visa” xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu rau quả năm 2023.
Theo các chuyên gia, 2023 được dự báo là năm lạc quan với xuất khẩu ngành hàng rau quả của Việt Nam, trong đó có sự lên ngôi của trái sầu riêng. Bên cạnh Trung Quốc, xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khác cũng tăng trưởng đáng kể như Hàn Quốc đạt 27 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022; Nhật Bản đạt 23 triệu USD, tăng 17%; Hà Lan đạt 20 triệu USD, tăng 70%...
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng để duy trì tốc độ tăng trưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả cần chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu.