Theo nhận định của các chuyên gia ngành hàng sắn, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam tăng trưởng mạnh là do các thị trường đẩy mạnh thu mua phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung ngũ cốc toàn cầu bị gián đoạn.
Đặc biệt, trong 7 tháng năm 2022, Trung Quốc đã mua 1,95 triệu tấn sắn lát khô và tinh bột sắn của Việt Nam, chiếm tới 93% trong tổng khối lượng xuất khẩu sắn của nước ta. Nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng sắn và ngô để sản xuất xăng sinh học (ethanol), khiến nhu cầu nhập khẩu sắn của nước này tăng cao.
Ngoài sản xuất ethanol, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Việt Nam đang là nguồn cung lớn thứ hai xuất khẩu các sản phẩm sắn vào Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát lớn nhất cho Trung Quốc.
Trong đó, Thái Lan là thị trường lớn nhất cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Thái Lan đạt 936,65 triệu USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021, thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 89% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 84,6% của 5 tháng đầu năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 108,7 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Với mặt hàng tinh bột sắn, trong 5 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,02 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,05 tỷ USD, tăng 31,3% về lượng và tăng 46,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 744.320 tấn, trị giá 379,67 triệu USD, tăng 228,6% về lượng và tăng 270% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Từ giữa tháng 7/2022, Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan thông báo hạ giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn xuống mức 535 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng 6/2022; trong khi giữ giá thu mua tinh bột sắn nội địa ở mức 17,5 Baht/kg, ổn định so với cuối tháng 6/2022.
Động thái này của các nhà xuất khẩu sắn Thái Lan được cho muốn hạ giá để tăng sức cạnh tranh với các đối thủ từ Việt Nam, trong bối cảnh xuất khẩu sắn của Việt Nam trong 7 tháng qua tăng mạnh, đã chiếm một phần thị trường từ các doanh nghiệp Thái Lan.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong hoàn cảnh, giá nhiều loại lương thực ở châu Âu đang tăng cao, đặc biệt là lúa mì, các doanh nghiệp Việt Nam cần chớp thời cơ để mở cửa thị trường cho sản phẩm sắn tại EU.
Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan đứng thứ hai sau lúa gạo. Trong khi đó, thuế xuất khẩu tinh bột sắn ngoài hạn ngạch là 166 EUR/tấn; sắn củ tươi, sắn đông lạnh cắt lát hoặc không ngoài hạn ngạch tính thuế là 9,5 EUR/kg.
Minh Anh (t/h)