Xuất khẩu sắn Việt Nam: Biến động sản lượng, giá cả và triển vọng thị trường năm 2024

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn Việt Nam ghi nhận biến động mạnh trong năm 2024. Trong khi sản lượng tăng vào tháng 10, giá cả và nhu cầu ở các thị trường lớn như Trung Quốc đang giảm, tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường cạnh tranh.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 10/2024 đã đạt hơn 176.000 tấn, trị giá trên 76 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 45,7% về sản lượng và 34% về giá trị so với tháng trước. Đặc biệt, mặt hàng sắn tươi ghi nhận mức tăng đáng kể với 239% về lượng, đạt hơn 24.000 tấn, tương ứng giá trị hơn 6 triệu USD, tăng 208%.

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 10/2024 đã đạt hơn 176.000 tấn. Ảnh minh họa
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 10/2024 đã đạt hơn 176.000 tấn. Ảnh minh họa

Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt hơn 2,09 triệu tấn, trị giá trên 955 triệu USD. Dù giảm 12,7% về sản lượng và 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, giá bình quân lại tăng lên, cho thấy nhu cầu vẫn ổn định ở một số thị trường.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với hơn 1,93 triệu tấn, trị giá 873 triệu USD, chiếm phần lớn tổng kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 452 USD/tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc lần lượt đứng thứ hai và thứ ba trong danh sách các thị trường xuất khẩu, với những biến động khác nhau về sản lượng và giá trị.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có khoảng 530.000ha diện tích trồng sắn, sản lượng trên 10 triệu tấn mỗi năm. Dù vậy, lượng sắn lát tồn kho vụ 2023-2024 chỉ đạt 60% so với cùng kỳ vụ trước. Điều này, kết hợp với nhu cầu nhập khẩu tinh bột sắn từ Trung Quốc giảm mạnh, đã khiến giá sắn và tinh bột sắn của Việt Nam giảm trong thời gian qua.

Đầu tháng 11/2024, giá tinh bột sắn xuất khẩu từ các cảng lớn tại TP. Hồ Chí Minh giảm xuống còn 460-480 USD/tấn (FOB), thấp hơn 20 USD/tấn so với đầu tháng 10. Tương tự, giá xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái cũng giảm mạnh, dao động từ 3.400-3.520 CNY/tấn.

Hiệp hội Sắn Việt Nam nhận định, thị trường sắn lát vụ 2024-2025 có thể tiếp tục xu hướng giảm giá và nhu cầu. Một số doanh nghiệp hiện đang phải mở kho xả hàng tồn để giải phóng tài chính cho vụ mới. Trước bối cảnh này, ngành sắn Việt Nam cần tăng cường các giải pháp đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị chế biến để đối phó với những biến động trong tương lai.

Tâm Ngọc

Từ khóa: