Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng các loại của Việt Nam đạt trên 400 nghìn tấn, trị giá 1,32 tỷ USD, tăng 67,4% về lượng và tăng 44,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này sầu riêng tiếp tục là trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến gần 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 3,3 tỷ USD của toàn ngành rau quả. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân sầu riêng của nước ta trong 6 tháng chỉ đạt mức 3.308 USD/tấn, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 6, giá xuất khẩu bình quân sầu riêng đạt 3.687 USD/tấn, tăng 46,7% so với trước nhưng giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá sầu riêng biến động mạnh trong những tháng gần đây chủ yếu là do nguồn cung dồi dào sau khi Việt Nam và Thái Lan cùng bước vào vụ thu hoạch.
Tại thị trường trong nước, tính đến ngày 2/8, giá sầu riêng Thái hàng đẹp đứng ở mức cao nhất là 105.000 đồng/kg, tăng 20,7% so với cách đây một tháng. Giá sầu riêng Ri6 tại khu vực miền Tây Nam bộ đạt mức cao nhất là 63.000 đồng/kg, tăng nhẹ 1,6%.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với kim ngạch đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của cả nước. Tiếp đến, đứng ở vị trí thứ hai là Thái Lan với 47 triệu USD, tăng 90,5% và chiếm 3,6% thị phần.
Ngoài ra, xuất khẩu sầu riêng sang một số thị trường khác cũng tăng như Hong Kong tăng 24,1%; Papua New Guinea tăng 7,8%; đặc biệt Nhật Bản tăng tới 2 lần và Campuchia tăng gần 23 lần.... Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Đài Loan giảm 0,8%, Mỹ giảm 43,2%, Australia giảm 24,1%...
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết sầu riêng đang đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu rau quả. Vụ mùa ở Tây Nguyên từ tháng 7 đến tháng 10 dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu loại quả này bứt phá hơn trong năm nay. Đến cuối năm, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3 tỷ USD, mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam và cải thiện đời sống nông dân.
Cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật và sẽ sớm ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Ngoài ra, các sản phẩm như dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh khác cũng sẽ được Trung Quốc mở cửa nhập khẩu thời gian tới.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2023, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam đạt xấp xỉ 151.000 ha, gấp đôi diện tích quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Báo cáo mới nhất từ tháng 6/2024 chỉ ra rằng diện tích canh tác đã tăng thêm lên khoảng 154.000 ha. Trong khi đó, sản lượng sầu riêng của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đạt khoảng 488.000 tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong những tháng tới, Tây Nguyên, vùng trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam, sẽ bước vào mùa sản xuất cao điểm, trong khi sầu riêng Thái Lan sẽ vào vụ trái vụ. Với việc nguồn cung sầu riêng Thái Lan giảm, giá sầu riêng Việt Nam có thể còn tăng cao hơn nữa.
Mặc dù diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam tăng nhanh nhưng quản lý chất lượng vẫn chưa theo kịp. Điều này đã dẫn đến hàng loạt vấn đề xuất khẩu như sầu riêng không đạt tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, dư lượng hóa chất quá mức, chất lượng quả kém do thu hoạch sớm, lạm dụng mã vùng trồng và cạnh tranh thị trường không lành mạnh. Để tạo dựng thương hiệu mạnh cho sầu riêng Việt Nam, ngành phải nỗ lực giải quyết những vấn đề này.
Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu cũng ngày càng gia tăng. Sau Thái Lan, Việt Nam và Philippines, mới đây đã có thêm Malaysia vừa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.