Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong tháng 3 đạt 17.950 tấn, trị giá 80,5 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 17% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lũy kế đến hết quý I, xuất khẩu sầu riêng vẫn đạt gần 57.000 tấn với trị giá thu về 253 triệu USD, tăng 42% về lượng và tăng 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, sầu riêng tiếp tục là trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đóng góp 17% giá trị doanh thu toàn ngành rau quả.
Trong đó, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu là sầu riêng tươi và 8,5% là sầu riêng đông lạnh. Còn lại là tỷ trọng nhỏ các sản phẩm chế biến từ sầu riêng như: Sầu riêng sấy khô, nước ép sầu riêng, kem sầu riêng...
Trong tháng 3, giá xuất khẩu bình quân sầu riêng đạt 4.480 USD/tấn, giảm 5,1% so với tháng 2, nhưng tăng 13,8% so với tháng 3/2023. Tính chung quý I, giá xuất khẩu bình quân sầu riêng đạt 4.437 USD/tấn, tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Về thị trường tiêu thụ, sầu riêng của Việt Nam vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong quý đầu năm với khối lượng đạt 51.500 tấn, trị giá hơn 228 triệu USD, tăng 57,5% về lượng và tăng 71% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường này chiếm đến 90% tổng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Đứng thứ hai là Thái Lan với 18 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7% thị phần.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao trong quý đầu năm như: Nhật Bản (tăng 83%); Hàn Quốc (tăng 61%); Bồ Đào Nha (tăng 71%); đặc biệt Hà Lan tăng tới 787,5%... Ngược lại, Hong Kong giảm 81,9%; Mỹ giảm 62,4%...
Sự gia tăng của mặt hàng sầu riêng đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả lần đầu tiên đạt trên 1 tỷ USD trong quý I.
Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có trái sầu riêng của Việt Nam, sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có thể được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt cho Việt Nam 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Hiện diện tích sầu riêng cả nước đạt trên 112.000 ha, chiếm 9% diện tích trồng cây ăn quả và sản lượng đạt 863.000 tấn.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này.
Mới đây, để đẩy nhanh quá trình ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương rà soát vùng trồng, cơ sở chế biến.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, các nhà vườn, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng, cũng như các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.
“Với mỗi thị trường nhập khẩu hiện nay đều có các yêu cầu cụ thể về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,… mỗi quốc gia có yêu cầu khác nhau về các thông tin này. Thông tin về nông sản nhập khẩu sẽ được kiểm soát từ khâu sản xuất, kinh doanh, thu hái đến khi xuất khẩu đều phải đưa vào trong hệ thống dữ liệu để quản lý”, ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng khuyến cáo, theo quy định của Hải quan Trung Quốc và Việt Nam, không có chuyện thu phí về việc cấp mã xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp. Trong trường hợp nhận có phía khách hàng yêu cầu như vậy có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan đầu mối quốc gia là Văn phòng SPS Việt Nam để nhận tư vấn.