Cụ thể, Các thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản chính của Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi tích cực và tiếp tục tăng trưởng: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu đạt 15,48 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất xuất khẩu của nhóm mặt hàng này.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa cho biết, kết thúc năm 2022, cả 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Thứ nhất, cả nước đã trồng được 259.615 ha rừng, đạt 106,4% so với kế hoạch (rừng phòng hộ 8.636 ha, rừng đặc dụng 1.611 ha, rừng sản xuất 249.369 ha. Ngoài ra, cả nước cũng trồng được 122 triệu cây phân tán, đạt 103% so với kế hoạch.
Thứ hai, sản lượng gỗ khai thác từ rừng sản xuất (bao gồm cả cây phân tán) năm 2022 ước đạt 19.698,8 nghìn m3, vượt 6,57% kế hoạch, tăng 7,2% năm 2021.
Thứ ba, thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.686,96 tỷ đồng đạt 122,9% kế hoạch thu năm 2022; tăng 20,6% so với năm 2021. Trong đó Quỹ T.Ư thu được 2.285 tỷ đồng, còn lại là quỹ tỉnh. Trong năm 2022, Quỹ tỉnh đã thực hiện chi 2.804 tỷ đồng tiền năm 2021 (đạt hơn 108% kế hoạch) và tạm ứng 961,24 tỷ đồng tiền năm 2022 cho các chủ rừng.
Điều này đã góp phần kích thích các chủ rừng tích cực bảo vệ rừng và nhân rộng diện tích rừng trồng. Đến nay, cả nước đã có 334 chủ rừng xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với tổng diện tích khoảng 4 triệu ha, đạt 48,53% so với tổng diện tích rừng được giao. Còn lại 195 chủ rừng đang xây dựng phương án, 212 chủ rừng chưa có phương án với tổng diện tích khoảng 4,2 triệu ha.
Thứ tư, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%.
Thứ năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021.
“Kết quả này là sự nỗ lực lớn của toàn ngành lâm nghiệp, nhờ tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, phục hồi kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự tích cực chủ động của ngành, hiệp hội, DN đã kịp thời thích ứng với khó khăn, thách thức”, ông Bùi Chính Nghĩa phân tích.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nghĩa cho rằng ngành lâm nghiệp trong năm qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, vẫn còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
"Đây là địa bàn nóng nhất về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép chưa được phát hiện sớm để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn và giải quyết kịp thời. Kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy. Thực trạng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới" - ông Nghĩa chia sẻ.