Ý nghĩa của văn hóa thưởng trà ngày Tết

Tết Nhâm Dần đang đến gần, người người hân hoan vui mừng chào đón và hy vọng bao điều tốt đẹp. Đây cũng là dịp để gia đình sum họp, đoàn tụ, là cơ hội để bạn bè thân ái gặp mặt tâm tình, chúc nhau. Và trong không khí thiêng liêng ấy không thể nào thiếu sự tươi thắm sắc hoa và chén trà ngày xuân. Uống trà, thú vui ẩm thực đã trở thành một nét văn hóa của nhà nhà mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Trà không thể thiếu trong trong dịp Tết ở mỗi gia đình Việt
Trà không thể thiếu trong trong dịp Tết ở mỗi gia đình Việt

Trà đã đi vào tâm hồn người Việt một cách tự nhiên, tĩnh lặng. Dẫu có những thay đổi, dẫu có nhiều thức uống công nghiệp phổ biến nhưng uống trà sẽ vẫn là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Văn hóa trà Việt ấy không chỉ thể hiện một thức uống phổ biến trong đời sống hàng ngày, trong mỗi độ Tết đến, Xuân về mà còn trở thành một phong tục tập quán, một thú vui thanh tao của người Việt.

“Khách đến nhà không trà thì rượu”, thưởng trà không chỉ là thói quen hàng ngày mà nó còn là một trong những nét đẹp truyền thống trong ngày Tết, một nét văn hóa đẹp của người Việt. Ngày xưa, “miếng trầu là đầu câu chuyện” nhưng ngày nay, chén trà đã thay cho “miếng trầu” để mở đầu cho mỗi câu chuyện, đặc biệt là những câu chuyện ngày Tết. Một ấm trà thơm ngon sẽ làm cho mọi người gần nhau hơn, ấm áp hơn trong tiết trời se lạnh của ngày Tết, làm cho những câu chuyện tâm sự thêm ý nghĩa hơn. Cũng vì thế mà trà được các gia đình đặc biệt quan tâm trong ngày Tết.

Theo cụ Đỗ Văn Toàn - nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên: Người dân Việt Nam coi việc uống trà cũng là một ứng xử văn hóa quan trọng và biểu hiện sự trân trọng, hiếu lễ và mến khách. Ngày Tết, uống trà là một cách để giao hòa với trời đất thiên nhiên vào ngày xuân mới, nên nhà nhà thường ưu ái chọn loại trà ngon nhất để mời khách mừng xuân mới.

Uống trà, ăn bánh mứt trò chuyện cùng nhau đã trở thành hình ảnh xuyên suốt trong những ngày Tết. Ngày Tết, mỗi nhà luôn đón tiếp họ hàng, bạn bè… đến chúc Tết, người người quây quần bên nhau trò chuyện về nhiều chủ đề. Trong suốt buổi trò chuyện, miếng mứt ngọt ngào, nước trà vị ngọt thanh, hương trầm quanh quẩn làm cho không khí của buổi trò chuyện được thoải mái, ấm cúng. Có rất nhiều bánh mứt trong ngày Tết, làm bạn dễ dàng thấy ngán, để làm dịu đi vị ngọt của bánh mứt, một tách trà chính là sự hoàn hảo, vừa làm dịu đi vị ngọt vừa mang lại hương vị nhàn nhạt nhưng thâm sâu trong cuống họng.

Uống trà trở thành việc không thể thiếu vào mỗi dịp Tết bởi nó có lợi cho sức khỏe như phòng chống được một số bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường… làm đẹp như chống lão hóa, đẹp da… và vì thưởng trà đã trở thành một nét văn hóa trong nền văn hóa đa dạng của người Việt. Ngày Tết, người ta mang những gói trà ngon đến biếu cho những người lớn tuổi, họ yêu thích cái không khí, cảm giác mà uống trà mang lại hơn là vì nó tốt cho sức khỏe. Ngày Tết, con cháu thường biếu những món quà mà người nhận thích, có lợi cho sức khỏe nhưng không quá xa xỉ.

Văn Chung