Yên Bái: Đặc sắc "Lễ hội Cầu mùa xã Thượng Bằng La" Xuân Giáp Thìn năm 2024

Sáng 18/2 (tức mùng 9 tháng Giêng Giáp Thìn), tại sân vận động trung tâm xã, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) tổ chức Lễ hội cầu mùa năm 2024 với sự tham gia của hàng nghìn người dân và du khách. Đặc biệt, màn đại Dậm thuông với 6 điệu dậm cổ của dân tộc Tày có sự tham gia của gần 800 nghệ nhân, diễn viên của các thôn trên địa bàn xã.

Các đại biểu cùng nhân dân chung tay trong vòng Dậm thuông.
Các đại biểu cùng nhân dân chung tay trong vòng Dậm thuông.

Nằm ở phía đông nam huyện Văn Chấn (Yên Bái), xã Thượng Bằng La có cảnh quan thiên nhiên giao hòa, xứ sở của các điệu Dậm thuông, Tính tẩu, với nền văn hóa mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Tày. Người dân quê hương cách mạng Thượng Bằng La anh dũng trong chiến đấu, cần cù trong lao động đã viết nên những trang sử hào hùng, làm nên địa danh nổi tiếng đèo Lũng Lô huyền thoại với bao chiến công hào hùng, góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Cách đây gần 1 thế kỷ, dân tộc Tày xã Thượng Bằng La đã tổ chức Lễ hội Cầu mùa vào dịp đầu xuân mới (tên tiếng Tày gọi là Căăú lôống tông) để cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi, cây cối đơm hoa kết trái, nặng bông trĩu quả. 

Người Tày Thượng Bằng La dâng mâm lễ cúng chính lên miếu thờ Thần Hoàng bản thổ.
Người Tày Thượng Bằng La dâng mâm lễ cúng chính lên miếu thờ Thần Hoàng bản thổ.
Chính quyền và nhân dân xã Thượng Bằng La dâng hương, làm lễ cúng Thần Hoàng bản thổ cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt.
Chính quyền và nhân dân xã Thượng Bằng La dâng hương, làm lễ cúng Thần Hoàng bản thổ cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội Cầu mùa thường được tổ chức ở một bãi đất rộng bằng phẳng để nhân dân có thể hướng vọng cả 5 ngọn linh sơn. Trong lễ hội Cầu mùa có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Mở đầu phần lễ là nghi lễ cúng Thần hoàng làng, thần Núi, thần Nước mà đứng đầu là thần núi Khau Tee. 

Người dân nô nức đi hội.
Người dân nô nức đi hội.
Các thôn của xã Thượng Bằng La rước cỗ và dâng lễ cúng.
Các thôn của xã Thượng Bằng La rước cỗ và dâng lễ cúng.

Tương truyền đây là ngọn núi cao nhất, nằm ở phía Tây che chắn ánh nắng thiêu đốt và những cơn gió Lào từ phía Tây thổi lại. Đây cũng là ngọn núi có nhiều truyền thuyết huyền bí về tổ tiên đồng bào Tày và sự liên hệ giữa loài người với thần linh. Mâm cúng tế thần Núi có cả đồ chay và đồ mặn. Người làm lễ tế thần phải là người đứng đầu dòng họ và chỉ có người trong dòng họ mới được nối tiếp công việc này. Sau lễ cúng núi Tè đồng loạt diễn ra lễ cúng, dâng hương 4 vị thần núi của nhân dân các bả

Nhân dân và du khách trải nghiệm trò chơi ném còn.
Nhân dân và du khách trải nghiệm trò chơi ném còn.
Màn đại Dậm thuông với sự tham gia của gần 800 nghệ nhân, diễn viên xã Thượng Bằng La.
Màn đại Dậm thuông với sự tham gia của gần 800 nghệ nhân, diễn viên xã Thượng Bằng La.

Trong phần hội, nhiều trò chơi dân gian được các chàng trai, cô gái thể hiện với sự dẻo dai, thông minh, khéo léo như: ném còn, đi trọ trẹ đá bóng, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy… Một trong những hoạt động không thể thiếu được trong lễ hội Cầu mùa ở Thượng Bằng La là Hội xòe then với 7 điệu xòe chính, thường gọi là Dậm thuông. Năm nay, gần 800 nghệ nhân, diễn viên của các thôn trên địa bàn xã đã mang đến màn đại Dậm thuông với 6 điệu dậm cổ của dân tộc Tày. 

Cây đàn tính và những điệu hát then đã gắn liền với đời sống của người Tày Thượng Bằng La.
Cây đàn tính và những điệu hát then đã gắn liền với đời sống của người Tày Thượng Bằng La.

Trong giai điệu thanh tao, nhịp nhàng của cây đàn tính, người người nắm tay nhau nối thành vòng lớn, vòng nhỏ cùng bước, cùng nhảy theo tiếng nhạc, tiếng khắp. Với những động tác khoan thai, uyển chuyển, mỗi điệu múa là một hình ảnh được hình tượng hóa một động tác lao động sản xuất hàng ngày. Vòng xòe càng lúc càng lớn, thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em.

Đặc biệt đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Tày xã Thượng Bằng La. Thông qua lễ hội để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống con người ấm no, hạnh phúc, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá bản sắc, xây dựng mối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

PHI LONG/VPTB