Tham dự Lễ hội có bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; lãnh đạo tỉnh Yên Bái và các tỉnh Hải Dương, Sơn La, cùng đông đảo người dân địa phương, du khách trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Duy Hiển, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết, Lễ hội là một sự kiện đặc biệt quan trọng nhằm tôn vinh vùng chè trung du của tỉnh Yên Bái nói chung và trà Shan tuyết của huyện Văn Chấn nói riêng.
Đây là dịp để du khách trong và ngoài nước biết đến cây chè gắn với đời sống hàng ngày của bà con nhân dân, là giống cây chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời tôn vinh người chăm sóc và bảo vệ cây chè cổ thụ quý hiếm, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế, quảng bá du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương.
Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023) và chào mừng 76 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn (30/9/1947 - 30/9/2023).
Huyện Văn Chấn nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế, được thiên nhiên ưu ái ban tặng những cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ; nơi lịch sử giàu truyền thống cách mạng, quần cư của 18 dân tộc anh em với bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng, đã làm nên một bức tranh đa sắc màu văn hóa với những nét đặc trưng, tiêu biểu của đất và người Văn Chấn.
Văn Chấn còn được coi là thủ phủ của trà Shan tuyết, loại trà hiện hữu và kết tinh từ linh khí của đất trời giữa ngàn mây từ nhiều thế kỷ trước, luôn gắn bó, song hành trong đời sống hằng ngày, đã làm nên một nét bản sắc văn hóa đặc trưng của người Mông, người Dao và một số dân tộc nơi đây. Nơi có những đồi chè quanh năm xanh mướt, uốn lượn bên những sườn đồi hay trên lưng chừng núi làm mê đắm lòng người.
Được thiên nhiên ban tặng, huyện Văn Chấn có những vùng chè Shan tuyết cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm, mọc tự nhiên trên vùng núi cao, mây phủ quanh năm. Những tên gọi “Cây chè tổ”, “Cây chè cổ thụ” đã toát lên sự trân quý, gần gũi, gắn bó với bao thế hệ con người nơi đây.
Những búp chè Shan tuyết được nuôi dưỡng, kết tinh từ linh khí của đất và trời, của những mạch nguồn tinh khiết, đã được ví như những viên ngọc quý, được lựa chọn và thu hái bằng tay. Qua nhiều đời, dưới bàn tay chế biến của các nghệ nhân, những người có kiến thức sâu rộng và tình yêu trà đã tạo nên những sản phẩm trà tinh tế, chất lượng nhất, nhiều sản phẩm trà đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao như: Tuyết Sơn Trà, Đại Lão Vương Trà - Diệp Trà Suối Giàng, Đại Lão Vương Trà - Hồng Trà Suối Giàng, Đại Lão Vương Trà - Hoàng Trà Suối Giàng, Đại Lão Vương Trà - Bạch Trà Suối Giàng…
Tại Lễ khai mạc, các đại biểu, nhân dân và du khách được xem các nghệ nhân trình diễn cách pha trà đạo, thưởng trà và thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Tinh hoa giữa ngàn mây”, gồm 3 chương, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Văn Chấn gắn với trà Shan tuyết, bản sắc độc đáo riêng có của 18 dân tộc nơi đây; những tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chương 1 “Về miền Shan tuyết” giới thiệu về miền quê Văn Chấn với đất và người từ thuở sơ khai, miền đất từ xa xưa đã gắn với trà Shan cổ thụ. Những bàn tay chuyên cần của đồng bào Mông cũng như các dân tộc khác quần cư nơi đây, tạo nên tinh hoa ẩm thực của núi rừng Tây Bắc nói chung và Văn Chấn nói riêng. Chương 2 “Sắc màu hội tụ” được thể hiện thông qua những màn đối đáp, ứng khẩu của các nghệ sỹ đến từ Trung ương, cùng 20 diễn viên quần chúng dân tộc Mông sau một buổi đi hái chè trở về, đã làm tôn lên nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông Suối Giàng gắn với cây trà Shan tuyết. Chương 3 “Tinh hoa và hội nhập” diễn tả vẻ đẹp tình yêu đôi lứa bên những cây trà cổ, gìn giữ, bảo tồn di sản trà Shan, đưa sản phẩm trà Shan hội nhập và vươn xa. Đồng thời, diễn tả không gian sắc màu văn hóa các dân tộc miền Tây Yên Bái hội tụ và lan tỏa.
Khép lại Chương trình lễ khai mạc là màn trình diễn nghệ thuật khèn Mông - Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và vòng xòe kết đoàn - Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại. Các đại biểu, nhân dân và du khách đã cùng hòa vào những vũ điệu dân gian của các dân tộc Khơ Mú, Dao, Tày, Thái, Việt và cùng đắm say trong điệu xòe.
Đặc biệt, xã Suối Giàng sẽ tổ chức Lễ hội tôn vinh cây Chè tổ với các hoạt động: rước lễ từ trụ sở UBND xã Suối Giàng đến địa điểm cây Chè tổ, Lễ cúng cây Chè tổ, trải nghiệm quy trình hái chè, chế biến và thưởng thức chè Shan tuyết cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: Giã bánh dày, múa khèn, thổi sáo Mông, đẩy gậy, kéo co. Tại Không gian Văn hóa Trà Suối Giàng, Đêm Tiệc trà được tổ chức nhằm biểu diễn cách pha trà đạo, thưởng trà và chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ dân tộc Mông…
Trong khuôn khổ Lễ hội Trà Shan tuyết huyện Văn Chấn lần thứ Nhất năm 2023, từ ngày 22 đến 28/9, nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn được tổ chức như: triển lãm tranh, ảnh về đất và người Văn Chấn, ảnh đẹp của vùng miền Tây tỉnh Yên Bái; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trà Shan Tuyết, các sản phẩm OCOP, chủ lực của các địa phương; trình diễn nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Xã Suối Giàng huyện Văn Chấn (Yên Bái) nằm ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển. Đây cũng là nơi hội tụ của quần thể hơn 40.000 cây chè Shan tuyết có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm; được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam từ đầu năm 2016.
Hiện nay, vùng trồng chè Shan tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích gần 400 ha. Trong đó, diện tích cây cổ thụ mọc tự nhiên là 290 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp. Năm 2006, chè Shan tuyết Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam vinh danh "Thương hiệu chè Việt”; năm 2016 được bình chọn là Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; năm 2017 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings công bố là một trong 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam…
Phi Long - Nam Trứ/Văn phòng Tây Bắc