Yên Bái quyết tâm giữ vững “vùng xanh”, doanh nghiệp yên tâm sản xuất trong đại dịch

Sau những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh... Tỉnh Yên Bái đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực; trong đó có việc mở rộng quy mô và đối tượng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra.

Doanh nghiệp đảm bảo “vùng xanh”

Theo số liệu thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021, tỉnh Yên Bái đã thành lập mới 209 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên gần 2.600, với tổng vốn đăng ký khoảng 29.000 tỷ đồng. Tổng số HTX thành lập mới đến hết ngày 15/8 là 63, nâng tổng số HTX hiện có toàn tỉnh lên 564. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp là trên 42.000 người, 28.000 thành viên trong các HTX. Thu nhập bình quân của người lao động từ 5,4 - 6,7 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh phần lớn công nhân là người địa phương, nhiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, tốn kém để thực hiện "3 tại chỗ" cho số lao động ngoài tỉnh và chuyên gia nước ngoài.  
Bên cạnh phần lớn công nhân là người địa phương, nhiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, tốn kém để thực hiện "3 tại chỗ" cho số lao động ngoài tỉnh và chuyên gia nước ngoài.  

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã có 418 doanh nghiệp, 41 HTX phải tạm ngừng hoạt động, 28 doanh nghiệp và 2 HTX giải thể, số lao động bị mất việc được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tháng 8 là trên 2.360 người với tổng số tiền chi trả trên 31 tỷ đồng.

Công ty may Daeseung Global đứng chân tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, mỗi ca có khoảng 500 công nhân làm việc, trong đó có cả những công nhân nhà ở các xã giáp ranh của tỉnh bạn như Phú Thọ, Tuyên Quang, đi về trong ngày.

Để bảo đảm an toàn sản xuất trước đại dịch Covid-19, Công ty luôn duy trì thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch của tỉnh, của huyện như: dự phòng khu cách ly cho nhân viên, người lao động nếu không may liên quan, tiếp xúc với các ca bệnh; kiểm soát chặt chẽ lượng người ra vào, xe vận chuyển hàng hóa…

Bà Lương Thị Thu, cán bộ phụ trách Hành chính – Nhân sự, Công ty may Daeseung Global cho biết, buổi sáng, công ty tổ chức đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho công nhân trước khi vào cổng, đối với công nhân ngoại tỉnh sẽ tổ chức xét nghiệm PCR mỗi tuần 2 lần vào thứ 2 và thứ 5 để đảm bảo cho công nhân đi lại. Những nơi uống nước hay nhà ăn của công nhân đều tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch.

Ông Nông Ngọc Lê - Trợ lý Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Wood industry Yên Bái cho biết, ý thức được tầm quan trọng về việc đảm bảo an toàn sản xuất trước đại dịch, Công ty luôn đảm bảo quy định trong phòng dịch. 

Công ty đã lên phương án dự phòng và thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt với tất cả người vào xưởng. Hiện tại chỉ có lái xe chở hàng ra cảng là từ nơi khác đến, còn tất cả công nhân lao động là người địa phương. Với lái xe đến phải bắt buộc có giấy xét nghiệm PCR còn hiệu lực và công ty yêu cầu không được xuống hay ra khỏi xe, đóng hàng xong là đi luôn.

Yên Bái quyết tâm giữ vững “vùng xanh”, doanh nghiệp yên tâm sản xuất trong đại dịch - Ảnh 1

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, vụ chè năm nay công ty luôn tồn kho trên 200 tấn, nguyên nhân chính do giá cước vận tải tăng cao. Hiện tại, cước vận tải tăng tới 150 - 160 triệu đồng/container 40 feet, chiếm gần 50% giá trị hàng hóa trong 1 container chè xuất khẩu. Khách hàng yêu cầu công ty phải giảm giá bán để hỗ trợ lại một phần cước vận tải, điều đó khiến lợi nhuận của công ty giảm mạnh. Tuy nhiên, đơn vị vẫn tiếp tục duy trì quy mô hoạt động sản xuất, tiếp tục liên kết với nông dân; tuyên truyền, vận động bà con đầu tư thâm canh các vùng nguyên liệu đảm bảo năng suất, chất lượng để cung cấp cho đơn vị.

Đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình trạng khó khăn không kém, bởi nhu cầu xây dựng trong nước giảm mạnh cùng cước vận tải tăng cao. Đặc biệt, do yêu cầu quy định nghiêm ngặt của phòng, chống dịch COVID-19 dẫn đến việc bố trí đi lại, ăn ở của công nhân gặp nhiều trở ngại, nhất là số lao động kỹ thuật cao và chuyên gia người nước ngoài.

Cùng quan điểm này, ông Mai Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình cho biết, hiện nay công ty đang sử dụng gần 500 trăm lao động, bên cạnh phần lớn công nhân là người sở tại thì công ty đang gặp nhiều khó khăn, tốn kém để thực hiện "3 tại chỗ" cho số lao động ngoài tỉnh và chuyên gia nước ngoài. Trong thời điểm này, công ty sản xuất cầm chừng và tập trung vào việc bảo dưỡng, duy tu máy móc, thiết bị để tạo việc làm, giữ chân người lao động, chờ đợi cơ hội sau khi dịch bệnh qua đi.

Theo ông Nguyễn Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung phòng, chống Covid-19, quan tâm đến phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp, trong đó tập trung vào kiểm soát chặt chẽ người ra vào địa bàn, nhất là số công nhân ở các tỉnh giáp ranh hàng ngày qua các chốt kiểm dịch để vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh Yên Bái vào cuộc tháo gỡ

Trước bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, để thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa tăng cường phòng chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường mức độ, cũng như mở rộng quy mô và đối tượng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên cơ sở chính sách hỗ trợ đã được ban hành trước đó.

Ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái
Ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái

Theo ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, để đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp, tỉnh đã chuyển trạng thái hoạt động, bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị, thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính.

Cùng theo ông Tuấn, việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh được tỉnh Yên Bái xác định trên những tiêu chí cần được ưu tiên theo lĩnh vực ngành nghề, tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả nhanh. Tỉnh đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Yên Bái đặc biệt quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản, du lịch, vận tải, xuất khẩu trong việc giảm lãi suất ngân hàng, hỗ trợ vốn vay doanh nghiệp.

Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động được tỉnh Yên Bái triển khai kịp thời, thiết thực. Tính đến tháng 8/2021 đã chi trả cho số lao động bị mất việc hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 31 tỷ đồng; có 4 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc với số tiền là 603 triệu đồng; hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để đào tạo 5.481 lao động nông nghiệp chuyển sang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm kiểm soát và giữ vững “vùng xanh” an toàn, tỉnh Yên Bái đã sớm triển khai tiêm vaccine cho người lao động trong doanh nghiệp.

Ông Trịnh Huỳnh Yên, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết, 100% số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã đăng ký tiêm vaccine, số lao động có nguy cơ lây nhiễm cao được ưu tiên tiêm trước, đến nay đã có hàng nghìn lượt lao động được tiêm phòng ngừa COVID-19. Chỉ riêng tháng 8/2021, các cơ quan chức năng phối hợp cấp 100 giấy phép cho lao động nước ngoài đến làm việc tại tỉnh Yên Bái.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Yên Bái tỉnh đã thành lập tổ cơ động, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc xét nghiệm nhanh, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp để có thể thực hiện "3 tại chỗ" trong trạng thái sản xuất mới, với phương châm “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, đảm bảo an toàn, phù hợp với diễn biến đại dịch COVID-19.

Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cam kết sẽ liên tục tiếp thu, giải quyết kịp thời những vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Ông Đoàn Hữu Phung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh một loạt giải pháp hỗ trợ như: gia hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội; hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa, kết nối chuỗi giá trị; miễn, giảm và gia hạn nộp tiền thuê đất. Đồng thời, hướng dẫn thực hiện ngay việc miễn, giảm, hoãn các loại thuế, phí theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.