Theo đó, Các loại phí, lệ phí được giảm 50% như: Phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí cấp căn cước công dân; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố; phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản; lệ phí cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh...
Giảm 50% phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy; phí cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; lệ phí sở hữu công nghiệp; phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giảm từ 10 - 30% nhiều khoản phí, lệ phí, như: Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam; phí hải quan chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam.
Bộ cũng giảm 50% phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ 2 khoản phí, lệ phí đó là: Lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (chứng chỉ) hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán, phí giám sát hoạt động chứng khoán.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất nhiều chính sách giảm thuế, phí như: Giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, đề xuất giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm, giãn các loại thuế, phí là những chính sách tài khóa phần nào giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, giúp kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; song song đó cũng góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Từ giải pháp giảm chi phí vốn, giảm yếu tố đầu vào của sản xuất, cho đến giảm thuế giá trị gia tăng hoặc giảm lệ phí trước bạ để thúc đẩy tiêu dùng… rõ ràng Chính phủ và Bộ Tài chính đã có những nỗ lực để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong 6 tháng cuối năm 2024.
Tuy nhiên, nếu xem chính sách tài khoá này là “cú hích” thì cũng đúng, bởi chỉ trong ngắn hạn và cũng không phải là giải pháp mới. Chính phủ đã áp dụng chính sách này trong khoảng thời gian trước đây.
Trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm 2024, lẽ ra các chính sách này đã hết hạn và các doanh nghiệp phải lo với việc nộp thuế hoặc đáp ứng các yêu cầu theo cơ chế thị trường, nhưng Chính phủ đã cố gắng cân đối nguồn thu cũng như có thể sử dụng các biện pháp, giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Về nguyên tắc, khi doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh là phải đáp ứng đầy đủ các khoản thuế phí, lệ phí có liên quan và đáp ứng nhu cầu đầu vào cũng như đáp ứng yêu cầu về thuế ở đầu ra, đây là việc bình thường. Nhưng do Chính phủ và Bộ Tài chính muốn thúc đẩy quá trình hồi phục của doanh nghiệp nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nên đã sử dụng chính sách tài khoá này và đồng nghĩa việc Chính phủ sẽ giảm nguồn thu, tự tìm kiếm nguồn chi tiêu cho ngân sách trong khoảng thời gian trước mắt khi cho phép giãn, hoãn thuế phí.
Như vậy, chính sách tài khoá đứng trước tình thế lưỡng nan, dư địa để kích thích kinh tế không còn quá lớn. Quy mô của thu ngân sách/GDP thu hẹp song chúng ta vừa muốn nới lỏng chi tiêu vừa muốn giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có thể làm gia tăng rủi ro vay nợ.
Tiến Hoàng