6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines đạt hơn 4.600 tỷ đồng

Lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines – Mã: HVN) cho biết, trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất khoảng 4.600 tỷ đồng.

Cụ thể, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines chia sẻ, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam, trong đó, có Vietnam Airlines từng đối mặt với nhiều khó khăn. Sau nhiều nỗ lực tái cơ cấu nguồn lực, cắt giảm chi phí, 6 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines đã có những kết quả kinh doanh hiệu quả.

6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines đạt hơn 4.600 tỷ đồng.  
6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines đạt hơn 4.600 tỷ đồng.  

Ông Hòa cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines có được lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 4.600 tỷ đồng, mức lãi của Vietnam Airlines đạt khoảng 100 tỷ đồng trong quý II/2024, đây là quý thứ 2 liên tiếp Vietnam Airlines có lãi, sau 16 quý thua lỗ liên tiếp trước đó.

Tính riêng trong quý I/2024, Vietnam Airlines ghi nhận khoản thu nhập khác lên đến 3.634,7 tỷ đồng. Đây là lãi phát sinh từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines và tiền phạt thu được.

"Trong 6 tháng đầu năm nay, giá nhiên liệu tăng làm chi phí hãng bay quốc gia tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng. Chưa kể tỉ giá từ đầu năm tới nay tăng 4,8%. Cùng đó, Vietnam Airlines đối diện với khó khăn do tình hình thiếu máy bay. Hiện các hãng bay Việt Nam chỉ còn hơn 160 tàu bay hoạt động", ông Hòa nêu rõ.

Cũng theo ông Hòa thông tin, mặc dù, đối diện với nhiều khó khăn, nhưng Vietnam Airlines vẫn có giờ bay tăng so với năm ngoái để đảm bảo các chuyến bay đúng giờ phụ vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong tháng 3 năm nay, Vietnam Airlines bị ảnh hưởng bởi tỷ giá cụ thể như: 1% thay đổi tỷ giá sẽ khiến Vietnam Airlines mất 300 tỷ, nếu mà 5% thì chi phí công ty một năm tăng lên 1.500 tỷ.

Vietnam Airlines dự kiến sẽ đẩy nhanh việc thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hoá Tân Sơn Nhất (TCS) để bổ sung thu nhập và dòng tiền. Thương vụ này dự kiến có thể mang về khoản thu nhập 1.700 tỷ đồng trên cơ sở đã thận trọng tính toán giá trị và tiến độ thoái vốn.

Để khắc phục, Vietnam Airlines tăng tối đa tần suất khai thác trên mỗi máy bay bằng cách tăng giờ bay đêm. Nhờ đó, hãng bị giảm 14 máy bay nhưng vẫn giữ được giờ bay tương đương với mức trước năm 2019 và tăng 26% so với giờ bay khai thác năm 2023, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.

Về triển vọng cuối năm, đại diện Vietnam Airlines cho biết, thị trường vẫn có nhiều khó khăn, hãng tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn bay và chất lượng dịch vụ.

Dự báo năm 2024, môi trường kinh doanh hàng không vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, Vietnam Airlines đã xây dựng các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong chặng cuối của lộ trình phục hồi.

Hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu với các giải pháp toàn diện về tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Tiến Hoàng