Theo thông tin của Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm đến ngày 28/7/2023, có 36 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 62,3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản, tiếp đến là tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, từ thời điểm Nghị định 08 có hiệu lực đầu tháng 3/2023, hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành. Bên cạnh đó, đã có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng với khối lượng 6 tháng là 5.900 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm, lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5-3% so với lãi suất ban đầu, ví dụ như Tập đoàn Sovico, Novaland, Hưng Thịnh Land...
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3 - doanh nghiệp này đã hoàn tất đợt phát hành với giá trị 2.250 tỉ đồng, lãi suất lên tới 14% - gấp đôi lãi suất huy động ở một số ngân hàng hiện nay.
Một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty TNHH Đầu tư phát triển Mỹ Khánh hoàn tất phát hành lô trái phiếu với giá trị 2.245 tỉ đồng, lãi suất 14%/năm.
Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản TMT cũng đã huy động thành công lô trái phiếu có trị giá 2.015 tỉ đồng, lãi suất 13,75%. Còn Công ty cổ phần Vinam Land có đợt phát hành có giá trị 1.500 tỉ đồng, lãi suất 14%.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt và công bố thông tin minh bạch, thường xuyên trên thị trường đã bắt đầu tiếp cận kênh phát hành trái phiếu ra công chúng để tiếp cận mọi đối tượng của nhà đầu tư.
Ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại HNX cũng đã chính thức được khai trương, dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hệ thống đi vào hoạt động sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường, nâng tính công khai, minh bạch, đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thông tin về thị trường thứ cấp, từ đó đưa ra các chính sách về quản lý, phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư phù hợp hơn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Dương lưu ý nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường thứ cấp đó là nhà đầu tư phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải nắm bắt được các rủi ro của doanh nghiệp phát hành, không phải là rủi ro của các tổ chức phân phối và nó cũng khác với tiền gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư phải đánh giá được đầy đủ các rủi ro đó để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.
Tiến Hoàng