9 loại trà tốt cho người bị cao huyết áp

Uống trà là một cách đơn giản và tự nhiên để ngăn ngừa các triệu chứng tiêu cực của tăng huyết áp.

Cao huyết áp là bệnh cực kỳ phổ biến và thường được gọi với tên là tăng huyết áp. Mặc dù có rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp dành cho người bị huyết áp cao, nhưng nhiều người cũng tìm kiếm các biện pháp tự nhiên từ các loại trà thảo mộc có thể làm giảm huyết áp hiệu quả và lành mạnh hơn. 

9 loại trà tốt cho người bị cao huyết áp - Ảnh 1

 Loại trà tốt nhất cho người bị cao huyết áp  

Trà xanh 

Trà xanh có chứa các hợp chất hữu cơ được gọi là polyphenol, là một loại chất chống oxy hóa. Polyphenol có thể được chia thành nhiều tiểu loại, bao gồm một nhóm gọi là flavonoid, có chứa catechin. Catechin là chất chống oxy hóa cực nhỏ được tìm thấy trong trà xanh có tác dụng tiêu diệt các gốc tự do và cải thiện hệ thống mạch máu. Catechin giúp cải thiện sự giãn mạch phụ thuộc vào nội mạc, có nghĩa là giúp tăng kích thước của động mạch, làm giảm huyết áp. 

Hơn thế, trà xanh còn giúp giảm xơ vữa động mạch cũng như lượng mỡ tích tụ nên cholesterol trong máu gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu bị huyết áp cao, bạn có thể uống một hoặc hai cốc màu xanh lá cây mỗi ngày, nhưng đừng tiêu thụ quá mức.

Trà đen

Theo một số nghiên cứu, uống trà đen hàng ngày có thể làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương của bạn. Trà đen cũng có thể làm giảm nguy cơ bị đột quỵ. Các chất chống oxy hóa trong trà đen có thể làm giảm cholesteol xấu, tăng cường sức khỏe tim mạch và làm giảm lượng đường trong máu. L-theanine trong trà đen cũng giúp cải thiện sự tập trung và sức khỏe tinh thần của bạn.

Trà Oolong

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trà Oolong có sự pha trộn phong phú của các chất chống oxy hóa và các đặc tính làm dịu có thể làm dịu hệ thống tim mạch. Tuy nhiên, nếu bạn bị tăng huyết áp nặng (chỉ số huyết áp rất cao) thì nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi lựa chọn loại trà này.

Trà hoa cúc

Hoa cúc đã được biết đến như một loại thảo mộc an thần và thường được sử dụng để làm dịu cơ thể và tâm trí trước khi đi ngủ. Những tác dụng tương tự này cũng giúp trà trở thành một thức uống lý tưởng cho người bị tăng huyết áp, vì có thể giúp thư giãn các mạch máu và động mạch. 

Trà hoa cúc cũng chứa các chất phytochemical như apigenin, quercetin, patuletin cũng như luteolin. Một số chất phytochemical này trong trà hoa cúc có tác dụng giảm lo lắng. Trà hoa cúc có tác dụng nhuận tràng nhẹ và cũng có đặc tính chống viêm. Ngoài tác dụng giảm lo lắng, trà hoa cúc còn là một chất tăng cường giấc ngủ. Một giấc ngủ ngon thì cũng gíup kiểm soát huyết áp của bạn.

Trà tâm sen

Trà tâm sen là một loại trà rất tốt trong việc điều trị bệnh cao huyết áp thông qua cơ chế làm giãn cơ trơn thành mạch máu và giảm trở lực huyết quản, phòng chống rối loạn nhịp tim, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, chống oxy hoá. Ngoài ra, trà tâm sen còn có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim nhờ khả năng làm giãn thành mạch máu, giảm lượng tiêu thụ oxy của cơ tim và cải thiện lượng tuần hoàn động mạch vành. Uống trà tâm sen mỗi ngày còn giúp chữa mất ngủ, đau đầu hoa mắt, nhịp tim nhanh, hay hồi hộp

Trà rễ bồ công anh

Đối với những người bị huyết áp cao, rễ bồ công anh được biết đến là loại “thuốc” đặc biệt hiệu quả để hạ huyết áp xuống mức an toàn. Bởi hàm lượng kali cao trong trà rễ cây bồ công anh cũng có tác dụng làm giảm huyết áp.

Ngoài ra, rễ cây bồ công anh chứa rất nhiều chất phytochemical như saponin, lutein, mucilage, coumarin cùng với các khoáng chất như canxi, kali, mangan và sắt. Trà bồ công anh cũng có nhiều Vitamin C, thiamin, Riboflavin và Niacin có lợi cho sức khỏe. 

Trà Pu-erh

Loại trà này không chỉ có thể làm giảm huyết áp nhờ đặc tính làm giãn mạch mà còn có thể làm giảm mức tổng thể của cholesterol trong cơ thể. Điều này có thể giúp ích gấp đôi cho sức khỏe tim mạch, đồng thời giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và đau tim.  

Trà dâm bụt 

Được biết đến với đặc tính làm dịu, trà dâm bụt có thể giúp giảm huyết áp và giảm các kích thích tố gây căng thẳng trong cơ thể, giúp giảm căng thẳng cho hệ thống tim mạch của bạn. Nhưng bạn nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng trà dâm bụt để xem có phù hợp với các loại thuốc mà bạn đang dùng hay không.  

Trà hoa hòe

Nụ hoa hòe chứa rất nhiều chất Rutin, là hoạt chất có tác dụng làm tăng lực co bóp của tim và giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng độ bền của thành mạch. Trà hoa hòe sẽ giúp thanh nhiệt, điều trị huyết áp cao, giấc ngủ sâu, sáng mắt, vững thành mạch tim. Ngoài ra, hoa hòe còn có tác dụng khác như làm giãn mạch máu, giảm đau.

Cùng với các loại trà, có một phương pháp khác có thể giúp giảm huyết áp. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghe nhạc cổ điển sau khi uống thuốc hoặc thực phẩm tự nhiên cũng giúp giảm huyết áp hiệu quả.

Bảo An (t/h)

Từ khóa: