ABBANK đặt mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng trong năm 2024

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK - mã chứng khoán ABB) công bố báo cáo tài chính năm 2023, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 1.000 tỷ đồng, tăng tới 94,5% so với năm ngoái.

Theo đó, kế hoạch kinh doanh năm 2024, ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt mức 1.000 tỷ đồng, tăng tới 95% so với kết quả thực hiện được trong năm 2023 vừa qua (theo số liệu trên báo cáo riêng lẻ, lợi nhuận năm 2023 của ABBank đạt 513 tỷ đồng).

Kỳ vọng đến cuối năm 2024, tổng tài sản đạt 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động từ khách hàng và dư nợ tín dụng lần lượt đạt 113.349 tỷ đồng và 116.272 tỷ đồng, cùng tăng hơn 13%. Tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng được kiểm soát dưới 3%.

ABBANK đặt mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng trong năm 2024.  
ABBANK đặt mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng trong năm 2024.  

Kế hoạch năm 2024 được ABBank đưa ra dựa trên kế hoạch tăng trưởng 5 năm (2024 - 2028) với mục tiêu đến cuối năm 2028, tổng tài sản đạt 420.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế là 8.200 - 10.000 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường đạt 57.000 - 68.000 tỷ đồng.

Để hoàn thành được mục tiêu trên, ABBank xác định 5 ưu tiên chiến lược: (1) Đảm bảo tín dụng trong cho vay khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; (2) thúc đẩy thu hút khách hàng; (3) củng cố năng lực quản trị rủi ro; (4) thu hẹp khoảng cách về mô hình nhân tài và xây dựng tổ chức đề cao hiệu quả; (5) tạo ra nguồn thu mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý IV/2023 của ABBank ghi nhận, nguồn thu chính của nhà băng này là thu nhập lãi thuần tiếp tục xu hướng sụt giảm so với cùng kỳ đã ghi nhận ở những quý trước đó, đạt 658 tỷ đồng.

Các hoạt động kinh doanh khác tại ngân hàng cũng ghi nhận kết quả trái ngược nhau như hoạt động mang về 271 tỷ đồng, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY). Đặc biệt, lãi thuần từ hoạt động khác mang về 371 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt hơn 71 tỷ đồng.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn ghi nhận khoản lỗ 348,4 tỷ đồng và chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận lỗ hơn 32 tỷ đồng.

Trong quý IV/2023, tổng thu nhập hoạt động tại ABBank đạt hơn 922 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản chi phí hoạt động chiếm 607 tỷ đồng, tăng 6,1%. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại nhà băng này ở mức 314,4 tỷ đồng,

Được biết, ABBANK được thành lập vào năm 1993, đến nay, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) được đánh giá là một trong những ngân hàng có sự phát triển bền vững và ổn định.

Hoạt động với mục tiêu chiến lược trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, ABBANK tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các điểm giao dịch, đồng thời mở rộng mạng lưới giao dịch tới các Tỉnh, Thành phố trọng điểm trên toàn quốc, qua đó, tao sự thuận tiện cho Khách hàng khi đến giao dịch tại ABBANK. Cùng với đó, chú trọng công tác tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, tận tâm, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ đối với khách hàng.

Với hoạt động bền vững, hiệu quả, ABBANK thu hút được sự tham gia của các Cổ đông lớn và uy tín trong nước, nước ngoài như: Tập đoàn Geleximco - Công ty cổ phần; Ngân hàng lớn nhất Malaysia - Maybank và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) trực thuộc Ngân hàng Thế giới.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của ngân hàng này đạt gần 162.100 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức 98.100 tỷ đồng, tăng 19,6% so với đầu năm. Gần như toàn bộ tăng trưởng cho vay của ABBank đều tập trung vào quý cuối cùng của năm bởi vào cuối quý III, dư nợ cho vay từng giảm xuống 81.600 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của ABBank đạt 2.857 tỷ đồng, tăng 20,8% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 2,91%.

Về phân phối lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế 2023 của ABBank hơn 398 tỷ đồng. Sau khi trích các quỹ, lợi nhuận còn lại năm 2023 gần 299 tỷ đồng. Cộng gộp lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, ABBank có gần 1.841 tỷ đồng lợi nhuận còn lại chưa phân phối. Nhà băng này dự trình ĐHĐCĐ để lại toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối này nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.

Tiến Hoàng