Được thành lập tháng 3 năm 1987, trường mầm non Liên Cơ nằm trên địa bàn thị trấn Lương Sơn hiện đang có 2 điểm trường và 14 nhóm, lớp. Hàng năm, nhà trường tiếp nhận gần 70% học sinh là con em dân tộc Mường đến trường, nhưng hầu hết các trẻ không biết nghe, nói tiếng Mường; không nhận biết được các trang phục, vật dụng sinh hoạt truyền thống của người Mường; không biết chơi những trò chơi dân gian và không cảm nhận được nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường. Nếu không có giải pháp bảo tồn kịp thời, những giá trị truyền thống dân tộc Mường sẽ dễ bị mai một, những giá trị văn hóa dân tộc Mường bị chìm dần vào quên lãng.
Nhận thức được điều này, Ban giám hiệu trường mầm non Liên Cơ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức về giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Mường cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và các bậc phụ huynh trong toàn trường. Đồng thời nhà trường tiến hành xây dựng các khu trưng bày, tái hiện lại những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường với mục đích giúp trẻ dần tiếp cận, nhận biết những vật dụng thường dùng trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày; những trò chơi dân gian; những làn điệu dân ca; những nét văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc Mường.
Chia sẻ với Phóng viên, bà Bùi Thị Vui – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà trường luôn cố gắng xây dựng môi trường học tập thân thiện, gần gũi nhất dành cho trẻ. Cùng với đó nhà trường cũng chú trọng tổ chức nhiều mô hình để trẻ được trải nghiệm qua các góc nhà sàn, chợ quê, góc các trò chơi dân gian đặc trưng của dân tộc Mường ở không gian sân trường như: Nhảy sạp, múa Mường, hát đối, đóng kịch, làm bánh dân tộc, chơi trò chơi dân gian, đi chợ bản Mường, làm bánh ngày xuân, phiên chợ dân tộc vùng cao… Với cách làm này, nhà trường cảm nhận được hiệu quả và sức lan tỏa khá mạnh mẽ không chỉ riêng đối với trẻ mà còn cả với giáo viên lẫn phụ huynh học sinh”.
Các hoạt động thể chất dân gian thiết thực, cùng các mô hình nhà sàn dân tộc, khu vực trưng bày đồ dùng, nông cụ dân tộc Mường trở thành góc hoạt động trải nghiệm bổ ích, giúp trẻ hiểu thêm về văn hóa, đời sống sinh hoạt, đời sống sản xuất. Bên cạnh đó, cách làm này cũng giúp những giáo viên, học sinh và phụ huynh không phải là người dân tộc Mường được tìm hiểu, khám phá nền văn hóa dân tộc Mường, bổ xung thêm nhiều kiến thức bổ ích, góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy tinh thần dân tộc cũng như cảm nhận, lưu giữ sâu sắc về các nét đẹp đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Từ khi mô hình đưa văn hóa dân tộc vào giáo dục mầm non được áp dụng, trường mầm non Liên Cơ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị bản sắc dân tộc. Cùng với việc các trẻ luôn hào hứng, vui tươi khi được trải nghiệm các trò chơi dân gian, thích được quan sát, trải nghiệm tại “không gian văn hóa Mường”, thích ca hát những bài hát dân ca Mường, mặc váy áo Mường; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cả phụ huynh đều có sự thay đổi tích cực về mặt nhận thức. Số giáo viên là người dân tộc Mường cảm thấy tự hào về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đặc biệt, có rất đông phụ huynh và giáo viên đã tự may cho mình và cho trẻ mỗi người ít nhất 1 bộ trang phục váy Mường, để có thể cùng diện lên mình trang phục truyền thống khi có dịp sự kiện hay lễ hội.
Có thể nói phương pháp giáo dục tại trường mầm non Liên Cơ là mô hình giáo dục sáng tạo, phù hợp với đặc điểm các trường học có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, mang lại những tín hiệu tích cực cho học sinh và giáo viên trong khối mầm non. Tác động sâu sắc và rõ nét đến việc nhận thức và bảo tồn các giá trị văn hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số một cách cụ thể, kịp thời.
Lê Hải - Minh Đông - Vũ Cừ