Nghề trồng chè xanh ở bản Ven đã được đồng bào người Cao Lan duy trì hàng trăm năm nay, nhưng nó mới thực sự được chú ý khoảng những năm 1980 trở lại đây. Khác với nhiều nơi, chè bản Ven lá to, búp xanh hơn. Nước pha xong có màu xanh, vị đậm và hương thơm dịu nhẹ như hội tụ tinh túy của đất trời. Để búp chè mềm mại, xoăn chặt, chín đều, không bị gãy, bà con sao, vò cẩn thận để cánh chè cứng chắc. Bí quyết làm chè của người Cao Lan ở bản Ven là khi chè đã nguội thì rải xuống nền đất đã được làm sạch chừng 1 giờ để lấy hương “âm”, đóng bảo quản trong thùng xốp một tuần rồi mới đưa ra đóng gói sản phẩm.
Hầu hết các hộ trong bản Ven đều trồng chè. Hộ nhiều trồng từ 1 - 2 mẫu, hộ ít cũng vài sào. Mỗi năm sản lượng bình quân từ 6 - 8 tấn/ha, thu lãi khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng/hộ.
Niềm vui đến với đồng bào dân tộc nơi đây khi Hợp tác xã Thân Trường ra đời, đã liên kết sản xuất chè xanh theo tiêu chuẩn Vietgap đồng thời xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm “Chè xanh bản Ven”, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận vào cuối năm 2014.
Được biết, HTX có 16 hộ thành viên, trong đó có 70% là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên địa bàn HTX có 30 ha trồng chè, trong đó, có 15 ha diện tích sản xuất chè VietGAP. Vừa liên kết sản xuất, chế biến chè xanh, HTX còn mở rộng phát triển du lịch trải nghiệm tại khu vực vùng nguyên liệu chè xanh bản Ven, xã Xuân Lương. Cây chè đang mang lại cho HTX tổng doanh thu 7,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế đạt 100 triệu đồng/năm, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn với thu nhập ổn định từ 5.000.000 đồng/tháng.
Bản Ven, nơi có diện tích chè lớn nhất xã với hơn 23ha. 2 năm trước đây, bản có hơn 60 hộ nghèo, nay giảm xuống còn 35 hộ. Bản có sự bứt phá mạnh mẽ nhờ mạnh dạn đầu tư theo hướng thâm canh cây chè, đã cho thu nhập 150 đến 200 triệu đồng/ha sau khi đã trừ chi phí. Nhờ đó đa số người dân đều thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, xây nhà cao cửa rộng.
Thương hiệu đã tạo nên giá trị của chè Xuân Lương - một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Khi chưa có thương hiệu, giá chè tươi chỉ 12 nghìn đồng mỗi kg, sau khi xây dựng thương hiệu (2015), giá tăng lên 60 nghìn đồng. Đến nay, chè bản Ven ổn định cả về chất lượng, sản lượng và giá thành.
Theo lãnh đạo xã Xuân Lương, bà con trong xã chủ yếu thâm canh các giống chè trung du, chè lai 1, chè lai 2… với hơn 500 hộ tham gia sản xuất. Xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo, những năm gần đây, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần đưa thương hiệu chè bản Ven ngày một nổi tiếng. Đến nay, Xuân Lương đã trở thành xã trọng điểm trồng chè của huyện với diện tích chè lên tới 300 ha.
Để phát triển cây chè bền vững, những năm qua, UBND huyện Yên Thế đã thực hiện đề án hỗ trợ và phát triển vùng sản xuất chè nguyên liệu của huyện. Theo Đề án, không những diện tích trồng chè được mở rộng, mà các hộ dân còn hỗ trợ trồng các giống chè mới năng suất cao, chất lượng tốt như: LDP2, LDP1; được hướng dẫn chuyển đổi sang mô hình canh tác chè VietGAP và hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiêu, máy móc vào trồng và sản xuất chè…
Từ thành công của thương hiệu chè xanh bản Ven, xã Xuân Lương, nhiều xã trên địa bàn huyện đã mở rộng diện tích trồng chè như: Canh Nậu, Đồng Vương, Đồng Tiến, Tam Tiến…, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, đến nay, diện tích cây chè trên địa bàn huyện đạt 530 ha với các giống chủ yếu là LDP1, PH1…; tổng sản lượng chè búp tươi khoảng 4.300 tấn mỗi năm. Nhờ trồng chè, nhiều hộ đã có điều kiện thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê hương.
SƠN THỦY