Không làm theo hình thức hay phong trào
TS Lê Thanh Hà – Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 – cho biết, giáo dục phòng, chống thiên tai là hoạt động có hệ thống và xuyên suốt của ngành Giáo dục trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, gần đây do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu đã tạo ra những thay đổi bất thường của thời tiết dẫn đến hậu quả của thiên tai ngày càng khó lường.
Trước đây, trong chương trình giáo dục, đâu đó chúng ta đã nhắc đến, đã hướng dẫn các em các kĩ năng sinh tồn, nhưng chưa nhiều và chưa hệ thống, thì sau sự việc này, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục phòng, chống thiên tai cho học sinh. Đồng thời, việc giáo dục kĩ năng cần theo hướng thực hành (learning by doing, learning through doing), học qua trải nghiệm thì mới giúp các em hình thành được các kĩ năng.
Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của việc giáo dục kĩ năng là việc học cần thông qua thực hành, thực tế, học thông qua trải nghiệm của chính học sinh trong các tình huống giả định hay trong các tình huống tương tự.
Chia sẻ điều này, TS Lê Thanh Hà đồng thời cho rằng, việc giáo dục kĩ năng phòng, chống thiên tai cho học sinh cần được coi trọng, không làm theo hình thức hay phong trào. Nhà trường cần có kế hoạch và dành thời lượng thích hợp để giáo dục các kĩ năng này cho học sinh; phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc nâng cao ý thức và kĩ năng của giáo viên và học sinh trong phòng, chống thiên tai, như Ủy ban phòng, chống thiên tai ở địa phương, cơ quan y tế, cơ quan kiểm lâm,…
“Thực tế, học sinh nào cũng cần phải được chuẩn bị các kĩ năng phòng, chống thiên tai. Tùy vào điều kiện thực tế và dự báo mà các trường học sẽ ưu tiên nhóm kĩ năng nào là quan trọng và cấp thiết cần trang bị cho học sinh. Ngoài ra, học sinh vùng ít bị thiên tai đôi khi sẽ rơi vào tình huống tương tự (khi đi du lịch, khi về quê,…) khi đó, các em cũng cần có các kĩ năng cơ bản để ứng phó hiệu quả trong tình huống thiên tai bất thường.” – TS Lê Thanh Hà cho biết thêm.
Với học sinh, đặc biệt học sinh vùng hay bị ảnh hưởng bởi thiên tai, một số kĩ năng cần trang bị cho học sinh, theo TS Lê Thanh Hà, gồm: Kỹ năng ứng phó với lũ lụt, học sinh biết phải làm gì trước, trong và sau khi lũ lụt xảy ra. Cụ thể, các em biết chuẩn bị hộp sơ cứu y tế, số điện thoại khẩn cấp, biết sơ tán theo sự hướng dẫn của người lớn, sử dụng phao cứu sinh, cũng như yêu cầu hỗ trợ khi khẩn cấp…
Ngoài ra, các em cũng cần các kĩ năng như: Kĩ năng chống đuối nước, Kĩ năng sơ cứu, và quan trọng là có kiến thức để nhận và ứng phó phù hợp trước các hiện tượng thiên tai bất thường.
Dành thời lượng thích hợp cho giáo dục phòng chống thiên tai
TS Lê Thanh Hà cho biết, có thể tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai trong một số môn học với mức độ khác nhau.
Các môn học như Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Đạo đức, Tiếng Việt… có những kiến thức chứa đựng hoặc liên quan đến nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai. Vì thế, dạy học tích hợp các nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai trong các môn học vừa giúp học sinh đạt mục tiêu của môn học, đồng thời đạt mục tiêu giáo dục phòng, chống thiên tai; giúp học sinh không chỉ có kiến thức mà còn rèn luyện cho các em thái độ, kĩ năng, hành vi trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, có lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên.
Cũng theo TS Lê Thanh Hà, có thể tiến hành tích hợp, lồng ghép giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu theo ba mức độ:
Mức hộ toàn phần: Mục tiêu và nội dung của bài học trùng hợp phần lớn hay hoàn toàn với nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mức độ bộ phận: Chỉ một phần bài học có nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, được thể hiện bằng mục riêng, một đoạn hay một vài câu trong bài học.
Mức độ liên hệ: Các kiến thức về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu không được nêu rõ trong sách giáo khoa nhưng dựa vào kiến thức bài học, giáo viên có thể bổ sung, liên hệ các kiến thức liên quan đến phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu một cách phù hợp.
Ví dụ: Môn Tự nhiên Xã hội (lớp 1, 2, 3) có nội dung là chủ đề Trái đất và bầu trời phần Thời tiết (lớp 1), phần Một số thiên tai thường gặp (lớp 2); môn Khoa học (lớp 4, 5) có nội dung là chủ đề Sinh vật và môi trường, phần Tác động của con người đến môi trường (lớp 5).
Ngoài ra, TS Lê Thanh Hà cho rằng, có thể tích hợp, lồng ghép giáo dục phòng, chống thiên tai thông qua các hoạt động trải nghiệm theo chương trình nhà trường. Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 và là một bộ phận của quá trình giáo dục trong nhà trường phổ thông.
Hoạt động trải nghiệm tạo cơ hội cho học sinh huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học và các lĩnh vực khác nhau để trải nghiệm cuộc sống gia đình, nhà trường và xã hội. Học sinh được tham gia vào các khâu của quá trình hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên, góp phần hình thành những phẩm chất và năng lực cần thiết cho học sinh.
“Với nội dung giáo dục phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, hoạt động trải nghiệm là một trong những con đường giáo dục thuận lợi, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, có tính mềm dẻo, linh hoạt, phát huy sự chủ động và sáng tạo của giáo viên và học sinh.” – TS Lê Thanh Hà cho hay.
Hải Bình
Theo Giáo dục & Thời đại