Bản tin bất động sản 11/4: Nguồn cung bất động sản liên tục thiếu hụt

Những nội dung đang chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay (11/4): TP. Biên Hòa “mạnh tay” với tình trạng xây dựng trái phép tái diễn; nguồn cung bất động sản liên tục thiếu hụt,nguyên nhân do đâu?;…

Nguyên nhân khiến nguồn cung bất động sản liên tục thiếu hụt

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc, bất cập của một số quy định của một số văn bản Luật, trước hết là Luật Nhà ở 2014.

Bản tin bất động sản 11/4: Nguồn cung bất động sản liên tục thiếu hụt - Ảnh 1

Theo HoREA, vướng mắc do khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở 2014 chưa quy định trường hợp nhà đầu tư "có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở" để thực hiện dự án nhà ở thương mại nên chưa thống nhất đồng bộ, chưa liên thông với các quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2020.

Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở 2014 (trước khi được sửa đổi, bổ sung bởi điểm c, khoản 1, Điều 75, Luật Đầu tư 2020) quy định hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư: "Sử dụng diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp để xây dựng nhà ở thương mại".

Quy định này không gây ra "vướng mắc" cho các doanh nghiệp, mà chỉ có khoản 4, Điều 23, Luật Nhà ở 2014 mới gây ra "ách tắc" cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại vì đã quy định trường hợp nhà đầu tư: "Nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại", yêu cầu dự án nhà ở thương mại bắt buộc phải có 100% đất ở thì mới được công nhận chủ đầu tư.

Tp.Biên Hòa (Đồng Nai) “mạnh tay” với tình trạng xây dựng trái phép tái diễn

Bản tin bất động sản 11/4: Nguồn cung bất động sản liên tục thiếu hụt - Ảnh 2

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc, UBND thành phố đã chỉ đạo lực lượng chức năng thành phố phối hợp với các phường, xã cưỡng chế nhiều trường hợp vi phạm xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn thời gian gần đây nhằm lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn phường.

Quy định mới về chuyển mục đích sử dụng đất

Cụ thể, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500ha trên địa bàn TP. Hải Phòng quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha trên địa bàn tỉnh Nghệ An quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13-11-2021; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500ha trên địa bàn TP Cần Thơ quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội.

Bản tin bất động sản 11/4: Nguồn cung bất động sản liên tục thiếu hụt - Ảnh 3

Quyết định cũng quy định cụ thể điều kiện chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể, dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp nêu trên; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Mua bán bất động sản vẫn diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn

Bản tin bất động sản 11/4: Nguồn cung bất động sản liên tục thiếu hụt - Ảnh 4

Trong quý I/2022, thị trường cũng chứng kiến thêm một số thương vụ nổi bật ở TPHCM như “cú bắt tay” giữa Novaland và Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất TM Tài Nguyên để khởi động lại dự án Grand Sentosa (tên cũ Kenton Node), diện tích 11 ha ở khu vực Nhà Bè.

Tương tự, ở khu vực quận 1, tòa nhà Saigon One Tower đã được đổi tên thành IFC One Tower do Công ty CP Đầu tư và Phát triển VivaLand quản lý. Ở khu vực Đồng Nai, dự án Swan Bay với diện tích khoảng 200ha sẽ được tiếp tục phát triển bởi Công ty CP Địa ốc Phú Long.

Tổng giá trị các giao dịch M&A quý I/2022 cao hơn cả tổng giá trị từng năm 2019-2021. Phân khúc văn phòng chiếm 58% tổng giá trị giao dịch, trong khi phân khúc công nghiệp và nhà ở lần lượt chiếm 28% và 13%. Đáng chú ý, Hà Nội có tổng lượng giao dịch lớn nhất cả nước, nhờ vào thương vụ chuyển nhượng tòa nhà văn phòng hạng A Capital Place (Ba Đình, Hà Nội) từ CapitaLand Development sang Viva Land với tổng trị giá 550 triệu USD.

Trong giai đoạn 2017 - quý I/2022, khẩu vị của các nhà đầu tư chủ yếu vẫn nhắm đến các loại tài sản truyền thống bao gồm thị trường nhà ở, khu đất phát triển, công nghiệp, văn phòng và bán lẻ. Trong đó, 76% các giao dịch nhà ở tập trung ở TPHCM; trong khi Bắc Ninh, Đồng Nai và Bình Dương chiếm hơn 50% tỷ trọng đầu tư bất động sản công nghiệp; Hà Nội sở hữu 65% tỷ trọng giao dịch khách sạn.

Bà Trang cho biết: “Trong quá trình làm việc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm đáng kể đến việc phát triển các dự án bất động sản từ dự án căn hộ cho đến các bất động sản công nghiệp, thương mại và bất động sản ứng dụng.

Thị trường cũng sẽ chứng kiến câu chuyện phục hồi mạnh mẽ ở các mảng du lịch nghỉ dưỡng và bán lẻ, vốn đã bị kìm hãm trong thời gian qua nhờ mở cửa các đường bay quốc tế trở lại. Thị trường bất động sản nhà ở cũng được kỳ vọng sẽ tích cực nhờ vào gói đầu tư hạ tầng 114 nghìn tỷ USD đã được Quốc hội thông qua”.

Trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô khả quan và các chuyến bay quốc tế đã được mở lại, chắc chắn thị trường M&A trong năm 2022 sẽ còn sôi động hơn nữa. Bởi vì “trong nguy có cơ”, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, đã tiến hành đánh giá và lên kế hoạch phát triển dài hạn sau đại dịch. Điển hình là Novaland với chiến lược xây dựng hệ sinh thái Nova Group; hoặc Đất Xanh chi 1.040 tỷ đồng để thành lập 4 công ty con trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính và bất động sản.

KTDU

Từ khóa: