Bản tin bất động sản 12/4: Ngăn chặn vi phạm đất đai tại bãi sông Hồng

Những nội dung chính sẽ có trong bản tin bất động sản hôm nay: Hà Nội sẽ xử lý nghiêm những dự án chậm tiến độ; ngăn chặn vi phạm đất đai tại bãi Sông Hồng;…

Sắp khởi công Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị hơn 59,4 triệu euro tại Hà Tĩnh

Đoàn công tác Cơ quan phát triển Pháp (AFD) vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về tình hình triển khai thực hiện Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó biến đổi khí hậu 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

Tại buổi làm việc, đại diện AFD cho rằng các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ triển khai từng phần việc theo kế hoạch, phối hợp với các tỉnh thực hiện dự án để trao đổi kinh nghiệm nhằm tiếp tục triển khai các hạng mục dự án đảm bảo chất lượng công trình. Về phía AFD, sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai các tiểu dự án trên địa bàn.

Đoàn công tác Cơ quan phát triển Pháp (AFD) kiểm tra thực địa tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Đoàn công tác Cơ quan phát triển Pháp (AFD) kiểm tra thực địa tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Đại diện các chủ đầu tư dự án cho biết, hiện đang đẩy nhanh tiến độ để sớm khởi công các tiểu dự án trong năm 2022, đôn đốc chỉ đạo đẩy nhanh giải phóng mặt bằng triển khai thi công.

Trước đó, tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Thạch Hà, huyện Thạch Hà đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 2455 ngày 3/8/2020. Tiểu dự án do UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư 851,8 tỷ đồng, trong đó vốn vay AFD 648,5 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu 25,2 tỷ đồng, vốn đối ứng 178 tỷ đồng. Thời gian thực hiện tiểu dự án năm 2020 - 2024.

Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hương Khê, huyện Hương Khê được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2749 ngày 24/8/2020. Tiểu dự án do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư tiểu dự án là 709,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay AFD 554,4 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại 25,263 tỷ đồng, vốn đối ứng 129,4 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là giai đoạn năm 2020 - 2024.

Hà Nội sẽ xử lý nghiêm những dự án chậm tiến độ

Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua 15 nhóm biện pháp giải quyết đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. (Ảnh DUY LINH)
Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua 15 nhóm biện pháp giải quyết đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. (Ảnh DUY LINH)

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Bùi Duy Cường, đến nay, thành phố có 135 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Trong đó, có 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố; 38 dự án đã chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; 74 dự án được UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý.

Đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra 404 dự án. Hiện, có 96 dự án với diện tích 290,9 ha đất, sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các bất cập đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất, kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh yêu cầu với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất trên địa bàn, UBND thành phố cần tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung ngay việc thanh tra, kiểm tra; có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với dự án vi phạm, chậm tiến độ, chậm triển khai, định kỳ báo cáo HĐND thành phố kết quả thực hiện, đồng thời công khai với cử tri và nhân dân được biết.

Xử lý các dự án chậm triển khai là nội dung đã được thành phố Hà Nội đề cập và bàn thảo, tổ chức giám sát và tái giám sát nhiều lần. Tuy nhiên, công tác này chưa có những chuyển biến tích cực. Trong thời điểm hiện nay, khi các quy hoạch trên địa bàn thành phố đã cơ bản được phê duyệt thì việc quản lý, sử dụng lại càng đặt ra yêu cầu cấp thiết và nếu làm tốt đây sẽ là nguồn lực quan trọng để Hà Nội phát triển.

Cao tốc Bắc - Nam và những điều chưa có tiền lệ

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kiểm tra hướng tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa phận Quảng Ngãi đầu tháng 2/2022. Ảnh: Đại Thắng
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kiểm tra hướng tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa phận Quảng Ngãi đầu tháng 2/2022. Ảnh: Đại Thắng

Theo baogiaothong.vn thông thường, với các dự án giao thông lớn, sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, công tác bàn giao hồ sơ cắm cọc GPMB mới được bàn giao cho địa phương.

Thậm chí, để đảm bảo tính chính xác, nhiều dự án làm xong bước tiếp theo là thiết kế kỹ thuật thì mới thực hiện bàn giao. Quãng thời gian này thường kéo dài đến 6 tháng.

Tuy nhiên, tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, công tác bàn giao hồ sơ cọc GPMB thực hiện theo giai đoạn, chỉ 2 tháng kể từ ngày Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA bàn giao dần hồ sơ cắm cọc. Đây là một trong những khác biệt lớn từ trước đến nay.

Một điều cũng chưa từng có tiền lệ, kể cả ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 là không dự án nào làm hướng dẫn thiết kế chung. Song, đối với dự án giai đoạn 2, sau khi ban hành hướng dẫn tổng thể, Bộ GTVT đã yêu cầu tư vấn xây dựng hướng dẫn hồ sơ, dự toán mẫu chi tiết nhằm thống nhất, tránh phát sinh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.

Ngăn chặn vi phạm đất đai tại bãi sông Hồng

Theo quan sát của phóng viên Báo Hà Nội mới trong các ngày 5 và 6-4, nhiều diện tích tại khu vực đất bãi sông Hồng đã bị lấn chiếm. 

Vi phạm “nóng” nhất phải kể đến khu vực ngõ 76 An Dương thuộc quản lý của hai phường Yên Phụ và Tứ Liên (quận Tây Hồ). Đây là con ngõ rộng nhất để các phương tiện di chuyển vào khu bãi bồi ven sông. Đi sâu vào ngõ khoảng 800m, đập vào mắt mọi người là những mảnh đất đã được quây tôn, bạt, bên trong là những ngôi nhà tạm. Tại ngách 89 ngõ 76 An Dương cũng xuất hiện một dãy tôn quây kéo dài cả ngách nhỏ, sâu hun hút. Thỉnh thoảng, một vài người đi xe máy từ trong ra với ánh mắt dò xét khi thấy người lạ. 

Tình trạng vi phạm cũng diễn ra khá phổ biến tại khu vực đất bãi sông Hồng thuộc các phường Đông Ngạc, Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm). Hay như tại ngõ 195 Hồng Hà, phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); khu vực bờ vở sông Hồng thuộc phường Phúc Xá (quận Ba Đình)… cũng có một số hộ dân sử dụng đất canh tác làm nhà ở tạm...

Bản tin bất động sản 12/4: Ngăn chặn vi phạm đất đai tại bãi sông Hồng - Ảnh 1

Lực lượng chức năng phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) khắc phục hậu quả việc lấp lạch sông của một số đối tượng lấn chiếm đất.

Lý giải về sự tồn tại của những công trình vi phạm trên địa bàn, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Hoàng Văn Sáng cho biết, các đối tượng dựng lều lán, quây tôn chỉ trong vòng 2-3 giờ, hoạt động trong đêm nên không kiểm soát ngay được lúc mới phát sinh. Tính trung bình mỗi năm phường cưỡng chế 40-50 công trình vi phạm; trong đó nhiều công trình tái vi phạm đến 10 lần. Trong giai đoạn 2020-2021, hai phường Yên Phụ và Tứ Liên đã phối hợp lập chốt cuối ngõ 76 An Dương, nên không xảy ra việc lấn chiếm đất. Tuy nhiên, khi bỏ chốt thì các đối tượng lại vi phạm. Do vậy, trong đầu tháng 4 này, phường tiếp tục cưỡng chế, tháo dỡ hàng rào tôn, dựng hàng rào dây thép gai, ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới...

Nói về giải pháp chống lấn chiếm, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Bùi Thanh Xuân cho biết, phường đang xây dựng kế hoạch, thiết lập hồ sơ quản lý công trình của các hộ sống ven sông. Qua đó, lưu trữ thông tin thực trạng, từ đó dễ dàng phát hiện nếu có vi phạm mới.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thường Sơn, quận đã đề nghị Công an quận chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xác minh đối tượng có hành vi quây hàng rào quanh khu đất, có chế tài xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, tái vi phạm tại khu vực bãi sông Hồng trên địa bàn quận.

KTDU

Từ khóa: