Bản tin bất động sản 13/4: Thị trường miền Trung ra sao khi các “ông lớn” đổ bộ?

Giá bất động sản tại thị trường miền Trung ra sao khi các “ông lớn” đổ bộ vào?; ngành xây dựng phục hồi sau đại dịch;… sẽ là những nội dung đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Ngành xây dựng phục hồi sau đại dịch

Theo Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước đại dịch COVID-19 nhưng thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và được nhiều tổ chức quốc tế định giá khoảng 60 tỷ đô la Mỹ (USD) vào năm 2021; cũng như dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022-2027.

Trong số các ngành và lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng cũng như hệ sinh thái ngành bất động sản – xây dựng – vật liệu xây dựng đang khá chủ động trong nỗ lực tự phục hồi trước những tác động và ảnh hưởng từ đại dịch. Phần lớn các doanh nghiệp đều lạc quan về triển vọng của ngành ngày trong năm 2022 đối với tất cả các phân khúc.

Khu nhà ở thương mại trong Khu công nghiệp và Đô thị VSIP Bắc Ninh đã hoàn thành. Ảnh: Danh Lam – TTXVN
Khu nhà ở thương mại trong Khu công nghiệp và Đô thị VSIP Bắc Ninh đã hoàn thành. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Khảo sát mới đây nhất của Vietnam Report đã chỉ ra rằng, 86,7% số doanh nghiệp trong ngành đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phản ứng ngay lập tức, thích nghi tốt và chịu ít tác động của đại dịch; 6,7% số doanh nghiệp không có sự chuẩn bị nhưng cũng đã phản ứng nhanh chóng và dứt khoát để phục hồi. Dẫu vậy, vẫn có khoảng 3,3% số doanh nghiệp phản ứng chậm và kỳ vọng sẽ phục hồi trong tương lai. Ngoài ra, có 3,3% số doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, mặc dù có sự chủ động nhưng tại sao tăng trưởng vẫn ở mức thấp? Theo Vietnam Report, các doanh nghiệp đang chịu những tác động tiêu cực do việc bỏ qua đầu tư vào chiến lược phục hồi kinh doanh.

Khả năng phục hồi kinh doanh được hiểu là khả năng mà một doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích ứng với sự gián đoạn, đồng thời duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và bảo vệ nhân sự, tài sản cũng như giá trị thương hiệu. Như vậy, khả năng phục hồi đề cập đến việc quản lý khủng hoảng và tính liên tục trong kinh doanh, ứng phó với tất cả các loại rủi ro mà một doanh nghiệp có thể phải đối mặt. Ngoài ra, khả năng phục hồi kinh doanh còn đề cập đến khả năng doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh doanh mới sau khủng hoảng. 

Các "ông lớn" đổ bộ thị trường miền Trung, giá bất động sản khu vực này diễn biến ra sao?

Cụ thể, tại Đà Nẵng, HĐND đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm đáng chú ý như Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu; Dự án cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên và đường dẫn nối tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng.

Bên canh đó, Đà Nẵng cũng bắt tay với Quảng Nam triển khai dự án khơi thông lòng sông Cổ Cò và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông kết nối các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven biển và phố cổ Hội An,…

Tại khu vực này, chứng kiến một loạt các doanh nghiệp đổ bộ như Phát Đạt phát triển dòng bất động sản thương hiệu tại khu đất có diện tích 2.734,9m2 tiếp giáp với 3 mặt tiền đường chính là Trần Phú, Bạch Đằng và Lê Hồng Phong; Novaland với dự án The Sunrise Bay; Danh Khôi với dự án The Royal – Boutique & Condo Da Nang (The Royal), Công ty Gotec Land với dự án Asiana Đà Nẵng; Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á với dự án Golden Square,…

Tại Khánh Hoà, hồi giữa tháng 3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có văn bản gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm, với mục tiêu phát triển thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Ngay sau đó, Tập đoàn Vingroup đã báo cáo ý tưởng đầu tư lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất 3 dự án với tổng diện tích hơn 16.800ha tại huyện Cam Lâm, gồm dự án Khu đô thị sân bay cao cấp, dự án đô thị sinh thái và dự án tổ hợp dịch vụ, thương mại, vui chơi - giải trí.

Theo báo cáo thị trường bất động sản trong quý 1 của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm nổi trội nhất là khu vực miền Trung, tăng vọt lên 14% trong khi khu vực miền Bắc, miền Nam giảm lần lượt 11% và 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bản tin bất động sản 13/4: Thị trường miền Trung ra sao khi các “ông lớn” đổ bộ? - Ảnh 1

Và sự quan tâm này tập trung ở Bình Thuận tăng 44%, Khánh Hòa tăng 48%, Đắk Lắk tăng 58%, Quảng Nam tăng 14%, Thanh Hoá tăng 6%.

Mặt bằng giá rao bán đất nền tại một số tỉnh miền Trung cũng ghi nhận tăng mạnh so với năm ngoái, trong đó, Thanh Hóa tăng 35%, Khánh Hòa tăng 26% và Bình Thuận tăng 13%.

Theo ông Quốc Anh cho biết, các tỉnh thành thu hút sự quan tâm lớn đều có điểm trung là các thông tin quy hoạch được đưa ra nhiều trong thời gian vừa qua. Điều này khiến mặt bằng giá rao bán ghi nhận tăng mạnh trong quý đầu năm.

Cụ thể, Thanh Hóa có mức độ quan tâm đất nền tăng 6% so với quý I/2021 nhưng giá rao bán tăng tới 35% so với trung bình năm 2021. Một trong những yếu tố tác động đến mặt bằng giá là thông tin quy hoạch các dự án lớn của các Tập đoàn như Sun Group, Vingroup,…

Khánh Hòa ghi nhận mức độ quan tâm tăng đột biến 48% và giá rao bán tăng 26% so với cùng kỳ do có thông tin quy hoạch tại huyện Cam Lâm cùng với thông tin các dự án lớn được đề xuất. Điều chỉnh quy hoạch Nha Trang đến năm 2040 cũng là một thông tin góp phần đẩy sự quan tâm và mặt bằng giá tăng mạnh.

Bình Thuận cũng là khu vực có mức độ quan tâm lớn với mức tăng 44%, giá rao bán tăng 13%. Trong đó, các khu vực được chú ý nhiều nhất là Phan Thiết và Mũi Né bởi có nhiều dự án nghỉ dưỡng được triển khai. Nhiều thông tin liên quan đến hạ tầng như sân bay Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cũng tác động tích cực đến thị trường này.

Quảng Nam gỡ vướng các dự án của công ty Bách Đạt An

Một dự án của Công ty Bách Đạt An
Một dự án của Công ty Bách Đạt An

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, Tổ phó Thường trực Tổ công tác tập trung, tích cực chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và các Phòng, đơn vị, địa phương liên quan thuộc thị xã Điện Bàn rà soát các tồn tại, vướng mắc, giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trong đó, Nguyễn Xuân Hà phải tập trung rà soát, phân loại từng trường hợp tồn tại, vướng mắc của từng dự án cụ thể để tập trung tháo gỡ, giải quyết; trường hợp cần thiết, tập hợp, cũng cố hồ sơ, thủ tục để tổ chức bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định. 

Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Hà chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và các Phòng, đơn vị liên quan khẩn trương trình phê duyệt quyết toán các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng (theo từng phương án hoặc từng phần đã thực hiện của mỗi phương án) để làm cơ sở cho nhà đầu tư khấu trừ thực hiện nghĩa vụ tài chính. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ phó Tổ công tác thường xuyên phối hợp, hỗ trợ ông Nguyễn Xuân Hà trong quá trình triển khai thực hiện.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Bách Đạt An rà soát cụ thể các tồn tại, vướng mắc và quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của từng dự án; phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn đề xuất điều chỉnh các đồ án quy hoạch chi tiết, gửi Sở Xây dựng kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh loại bỏ các khu vực không thể giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án hoặc điều chỉnh thành đất hiện trạng chỉnh trang; làm căn cứ điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan để đảm bảo sớm hoàn thành, kết thúc dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Bất động sản nghỉ dưỡng trên đà phục hồi

Từ cuối năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa trở lại, những tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện trên thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận. Trong quý I/2022, cùng với diễn biến sôi động của loại hình bất động sản nhà ở, đà phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng trở nên rõ nét hơn.

Những nguyên nhân chính tác động đến sự hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng bao gồm du lịch được khởi động và ghi nhận những bước tăng trưởng đáng chú ý, du lịch phát triển sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “trở lại đường đua” và có thể sẽ bắt đầu khởi sắc từ quý II/2022.

Ở góc độ thị trường, trong quý I/2022, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng chứng kiến những diễn biến sôi động ở một số phân khúc như biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng với nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong năm 2022, các thị trường truyền thống có thương hiệu du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,… sẽ phục hồi và có những bước trỗi dậy mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, dự kiến trong năm nay, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình condotel, officetel và shophouse để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Đây là một trong những nền tảng vững chắc thúc đẩy tốc độ phát triển của condotel, officetel,… đồng thời củng cố niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư đối với các phân khúc này.

Dự báo về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Việt Nam nhận định “bất động sản nghỉ dưỡng - đèn xanh đã bật”. Dự kiến quý II/2022, nguồn cung condotel tăng so với quý I/2022 với khoảng 1.000 căn được đưa ra thị trường. Các dự án tập trung chủ yếu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng và Quảng Nam. Nguồn cung mới biệt thự nghỉ dưỡng tăng, dao động khoảng 1.700 căn, tập trung chủ yếu tại những địa phương quen thuộc như Bình Thuận, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn cung nhà phố - shophouse nghỉ dưỡng dự kiến tương đương quý I/2022 với khoảng 2.700 căn, tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định.

Thẩm định Đồ án quy hoạch sử dụng đất huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2021 – 2030

Bản tin bất động sản 13/4: Thị trường miền Trung ra sao khi các “ông lớn” đổ bộ? - Ảnh 2

Sáng 12-4, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với các thành viên Hội đồng thẩm định Đồ án quy hoạch sử dụng đất huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2021 - 2030. Cùng tham dự có các ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Anh Tuấn, Đinh Văn Thiệu.

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đã báo cáo dự thảo quy hoạch sử dụng đất huyện Khánh Vĩnh đến năm 2030 sau khi tiếp thu, chỉnh sửa theo góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định. Trong đó, có bổ sung 5 tiểu đô thị sinh thái núi rừng tại các xã: Sông Cầu (quy mô 390ha); Sơn Thái và Liên Sang (quy mô 70ha); Khánh Thượng (275ha); Khánh Trung (125ha) và Khánh Hiệp (160ha)...

Sau khi nghe ý kiến của các thành viên dự họp, được sự ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát lại 5 vị trí đề xuất hình thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng; không đưa vào quy hoạch các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, không có quy hoạch giao thông, không có khả năng cung cấp hạ tầng điện, nước; cân nhắc kỹ trước khi đưa vào quy hoạch các khu vực có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ… Theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng, do đó cần phải thay đổi tên gọi 5 vị trí đề xuất hình thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng cho phù hợp. UBND huyện Khánh Vĩnh tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, hoàn thiện hồ sơ gửi các sở, ngành góp ý, trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 4-2022.

KTDU

Từ khóa: